Dệt may Việt Nam có lợi thế nhờ khả năng sản xuất các sản phẩm giá trị cao

16:58' - 17/07/2024
BNEWS Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) mới đây công bố khảo sát về so sánh lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ.

Theo đó, Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh, cho thấy ngành dệt may Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh cao hơn nhờ khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao.

Theo đánh giá, Việt Nam đang đứng đầu về khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và nhanh chóng nhờ đầu tư máy móc và tay nghề cao. Tuy nhiên, về dài hạn, các nước khác có khả năng bắt kịp và lợi thế trên sẽ giảm dần. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất dưới thương hiệu gốc (OBM) hoặc nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.

 

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, như trước Bangladesh là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may. Năm 2020, Bangladesh chỉ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may sau Việt Nam và Trung Quốc với kim ngạch đạt 29,8 tỷ USD. Tuy nhiên quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới kể từ năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 49 tỷ USD tăng tới 64% so với năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu Bangladesh theo dữ liệu EBP công bố liên tục tăng trong giai đoạn 2021 – 2023 mặc dù thị trường dệt may toàn cầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu suy giảm mạnh. Năm 2023, Bangladesh công bố đã xuất khẩu 50,3 tỷ USD hàng dệt may, tăng gần 70% so với năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng từ 35,3 tỷ USD trong năm 2020 lên 44,6 tỷ USD trong năm 2022 và giảm hơn 10% trong năm 2023 về mức 39,6 tỷ USD (tương đương mức tăng 12% so với năm 2020). Cường quốc xuất khẩu dệt may số một thế giới là Trung Quốc cũng chỉ ghi nhận mức tăng 3,7% trong năm 2023 so với năm 2020.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Bangladesh cho thấy giá trị xuất khẩu thực tế trong giai đoạn tháng 7/2023 đến tháng 4/2024 của năm tài chính 2023-24 thấp hơn gần 14 tỷ USD so với con số Cục Xúc tiến xuất khẩu Bangladesh (EPB) công bố trước đó, đây là một trong những cú sốc lớn nhất trong lĩnh vực tài chính gần đây ở Bangladesh.

Thông thường, dữ liệu xuất khẩu của tháng trước được EPB công bố trong vòng ba ngày đầu của tháng hiện tại. Lần này, việc công bố bị trì hoãn sau khi Ngân hàng trung ương Bangladesh công bố số liệu chỉnh sửa về thu nhập từ xuất khẩu, chấm dứt sự chênh lệch giữa khoản thu thực tế và dữ liệu được EPB chia sẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục