Đi tìm sản phẩm chủ lực cho ngành công nghiệp Tp Hồ Chí Minh

16:45' - 15/08/2018
BNEWS Dù được đánh giá là thành phố năng động với mức tăng trưởng kinh tế liên tục tăng nhưng các ngành công nghiệp vẫn phát triển chậm, thậm chí chưa có sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu thành phố.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải xác định sản phẩm chủ lực để có định hướng hỗ trợ phù hợp, tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.

Được đánh giá là thành phố năng động nhưng các ngành công nghiệp vẫn phát triển chậm. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

*Nội tại đeo đẳng

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, mức tăng trưởng kinh tế thành phố những năm qua liên tục tăng nhưng năng lực phát triển của thành phố đang phát sinh và tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể như năng lực cạnh tranh chưa cao, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp, hạ tầng xuống cấp, đất sản xuất còn ít, giá thuê đất cao so với các tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm của thành phố thấp, hoạt động bán lẻ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà phân phối ngoại; chưa được xác định được sản phẩm chủ lực để có định hướng hỗ trợ phù hợp.

Ngoài ra, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt thế nhưng đến thời điểm này thành phố vẫn chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực.

Tức là, sản phẩm gì doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng sản xuất, phát triển thị trường tốt nhưng để có một sản phẩm mang tính chiến lược chung cho cả nền kinh tế của thành phố lại không có.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đầu tư cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố gồm cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện 4 ngành này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và không có điểm nhấn.

Chẳng hạn như ngành điện tử (chỉ chú trọng vào sản xuất con chip còn những sản phẩm vệ tinh trong hệ thống chuỗi ngành như nhựa, thép, pin, thuỷ tinh… không được tính đến). Các ngành còn lại nếu so với quy mô cả nước thì đang phát triển chậm hơn.

Ở góc độ khác, nếu đánh giá tiêu chí để chọn sản phẩm chủ lực dựa vào quy mô và tăng trưởng của sản phẩm thì rủi ro cao vì khả năng bị chuyển dịch trên thị trường rất lớn.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước năm 2015, thành phố chọn ra 15 sản phẩm chủ lực để có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển, như nước giải khát Tribeco, đệm Kym Đan, may mặc Việt Tiến… nhưng đến nay chưa có sản phẩm nào là sản phẩm chủ lực đích thực của thành phố.

Theo bà Lý Kim Chi, xác định nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực là chương trình ý nghĩa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thành phố, đa dạng hàng hóa thị trường và xuất khẩu.

Vì vậy, khi triển khai xác nhận nhóm sản phẩm chủ lực cần tạo ra động lực phát triển thực sự cho doanh nghiệp, cho kinh tế thành phố để tránh đầu tư đại trà và kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp không bị phân tán.

*Định hình sản phẩm

Các chuyên gia cho rằng, xác định sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm thuần Việt và phải tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển thương hiệu thì mới thành công được.

Các chuyên gia cho rằng, xác định sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm thuần Việt. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố cần hướng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu đảm bảo có hệ thống phân phối hiệu hiệu quả, thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ tinh vi, luôn cập nhật những phát minh sáng chế. Đồng thời, đây cũng là những sản phẩm ưu tiên khuyến khích sản xuất trong chính sách của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng bộ tiêu chí để chọn và sản xuất sản phẩm công nghiệp, thương mại - dịch vụ chủ lực hiện nay đòi hỏi cần có sự đầu tư, nghiên cứu từ các học giả, chuyên gia đầu ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Các học giả, chuyên gia, doanh nghiệp nhất trí việc xây dựng tiêu chí để tạo ra các sản phẩm công nghiệp, thương mại - dịch vụ chủ lực của thành phố đòi hỏi kỳ công, khoa học và phù hợp thực tiễn.

Cụ thể, sản phẩm chủ lực là sản phẩm gì, đặc thù ra sao, sức cạnh tranh, khả năng tồn tại bao lâu và người tiêu dùng chọn lựa như thế nào.

Tiến sĩ – chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Trong chiến lược phát triển, thành phố cần xác định vai trò “đầu tàu” về kinh tế theo nguyên tắc nhất quán là “sự phát triển của mình có tác động lôi kéo sự phát triển của các địa phương lân cận”.

Để đảm nhận được vai trò đó, thành phố phải đầu tư để hội đủ các điều kiện về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa, dịch vụ tài chính, viễn thông, vận chuyển, kho bãi; các cơ sở đào tạo nhân lực và nghiên cứu công nghệ như trường học, viện nghiên cứu; các dịch vụ như bệnh viện, khu du lịch, lưu trú và giải trí.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp theo hướng liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh của Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động liên kết dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính kết nối, đảm bảo khả năng lan tỏa công nghệ của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương khác.

Bên cạnh đó, thành phố nên xác định công đoạn cần tập trung trong chuỗi giá trị của mỗi ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đặc biệt, đảm nhận khâu nghiên cứu giải pháp công nghệ, thiết kế, sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ đòi hỏi công nghệ cao để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lắp ráp sản phẩm đầu cuối và phân phối.

Đây là những công đoạn có giá trị gia tăng cao, việc sản xuất đòi hỏi công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, thân thiện với môi trường…

Việc phát triển sản xuất các sản phẩm này có tác động lan tỏa đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác và kết nối được vệ tinh cung ứng thuộc thành phố và các vùng lân cận.

Các khâu nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ thâm dụng lao động trình độ thấp, việc sản xuất không đòi hỏi công nghệ cao… có thể liên kết với doanh nghiệp ở các địa phương lân cận để phát huy sức mạnh của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cần nhìn lại vai trò của Nhà nước khi xây dựng và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và không nên chọn ngành chỉ dừng lại định hướng thị trường mà tập trung vào những ngành thành phố ưu tiên phát triển.

Cùng với cơ chế hỗ trợ cho những ngành đang có tiềm năng, cần có thêm phương thức hỗ trợ gián tiếp như phát triển công nghệ sản xuất, tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục