Địa điểm đầu tiên ở Italy cấm các vật dụng nhựa sử dụng một lần

16:54' - 06/05/2018
BNEWS Theo thống kê của tổ chức môi trường trên, thế giới sản xuất ra gần 300 triệu tấn nhựa mỗi năm và một nửa trong số này là vật liệu nhựa sử dụng một lần.
 Rác thải nhựa từ các vật dụng nhựa sử dụng một lần. AFP/TTXVN

Kể từ tháng 5, quần đảo Tremiti, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Italy, trở thành địa điểm đầu tiên của quốc gia Địa Trung Hải này cấm các vật dụng nhựa sử dụng một lần dưới mọi hình thức, đồng thời đưa ra các hình thức xử phạt nặng đối với những người vi phạm quy định trên.

Đây là một phần trong cuộc chiến sẽ được mở rộng của giới chức Italy chống việc sử dụng các chất tương tự để bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, những nỗ lực của Italia nhằm loại bỏ dần các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bắt đầu cách đây hàng chục năm, với việc thông qua các quy định yêu cầu các cửa hàng thực phẩm và các nhà bán lẻ ngừng sử dụng những loại túi nhựa gây hại cho môi trường.

Những yêu cầu này ngày càng được siết chặt hơn theo và theo kế hoạch vào năm 2020 việc sử dụng nhựa vi sinh (các hạt nhựa li ti được sử dụng trong một số loại kem đánh răng) sẽ bị cấm trên toàn quốc.

Theo ông Stefano Ciafani, tân Chủ tịch của tổ chức môi trường Legambiente của Italy, tốc độ và hiệu quả của chính sách cải cách trên đã giúp Italy trở thành một trong những nước đi đầu châu Âu trong lĩnh vực này. Một số nước đang học theo mô hình của Italy, như Pháp cũng đưa ra chính sách cấm vật liệu nhựa sử dụng một lần.

Theo Giáo sư xã hội học môi trường thuộc Đại học Pisa, ông Luigi Pellizzoni, cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố liên quan, trong đó phải kiểm soát việc cung cấp túi ni lông song song với việc các nhà sản xuất túi phân hủy sinh học cần vận động để mọi người thay đổi thói quen.

Quần đảo Tremiti là một ví dụ, nơi số lượng nhựa trung bình dưới nước là 2,2 mẩu/mét khối (phần lớn là polyethylene - loại nhựa được sử dụng trong bao bì và túi nhựa), cao hơn nhiều so với chỉ số 0,52 mẩu nhựa/mét khối nước ở Italy nói chung.

Mức độ báo động về mật độ rác thải nhựa chính là yếu tố thúc đẩy ông Antonio Fentini, Thị trưởng quần đảo Tremiti thông qua các điều luật nghiêm khắc nhằm ngăn chặn việc sử dụng hầu hết các loại nhựa trên đảo. Mức phạt sẽ dao động từ 50 đến 500 euro đối với mọi hành vi vi phạm.

Tạm thời quy định này chưa áp dụng với nước đóng chai. Một nghiên cứu của tổ chức môi trường Greenpeace cho biết rất nhiều vật dụng nhựa trên biển xung quanh quần đảo Tremiti có thể bị trôi dạt theo dòng nước từ nơi khác đến. Để giảm thiểu tình trạng hiện nay, ông Fentini kêu gọi các cộng đồng cũng như các thị trưởng trên các đảo khác trong khu vực cùng hành động vì một môi trường sạch.

 Nước đóng chai được bày bán tại cửa hàng. AFP/TTXVN

Theo thống kê của tổ chức môi trường trên, thế giới sản xuất ra gần 300 triệu tấn nhựa mỗi năm và một nửa trong số này là vật liệu nhựa sử dụng một lần. Hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa bị đổ vào các đại dương mỗi năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài động, thực vật biển.

Ông Stefano Ciafani khẳng định vấn nạn nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy được đang là thách thức môi trường lớn thứ hai trên thế giới, sau biến đổi khí hậu./.

>>> Nỗi lo từ rác thải nhựa trên toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục