Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến thanh toán online phát triển mạnh

17:44' - 21/07/2021
BNEWS Dịch COVID-19 bùng phát trở lại cũng là khoảng thời gian cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ hơn.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, tạo ra không ít thách thức cho nền kinh tế. Nhưng ở một góc khác, đây cũng là khoảng thời gian cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ hơn. Điều này vừa đảm bảo nhu cầu chi tiêu của người dân, vừa giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
*Phổ cập thanh toán online
Chưa bao giờ sở hữu một tài khoản ngân hàng lại dễ như hiện nay. Bởi, hầu hết các ngân hàng đã ứng dụng phương thức xác thực điện tử (eKYC) vào việc mở tài khoản tài khoản thanh toán. Điều này có nghĩa là bất kỳ người dân nào, tại bất kỳ đâu, chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh đều có thể đăng ký mở tài khoản và giao dịch trực tuyến sau một vài thao tác xác thực đơn giản mà không cần phải trực tiếp tới các điểm giao dịch của ngân hàng. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc cho phép áp dụng eKYC là một xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giao dịch ngân hàng online giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, eKYC góp phần xóa những trở ngại, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Thực tế ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho thấy, tỷ lệ giao dịch thanh toán online tăng lên hơn 30% trong 6 tháng đầu năm 2021, đánh dấu hiệu quả trong triển khai ngân hàng số của OCB thời gian qua. Theo đại diện OCB, với sự ra đời của eKYC, khách hàng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với việc sử dụng ứng dụng di động để mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch ngân hàng qua kênh online.
“Việc thanh toán hóa đơn, chuyển tiền và mua hàng thương mại điện tử… qua ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng trên thiết bị di động ngày càng đơn giản và phổ biến. Xu hướng giao dịch từ tiền mặt sang trực tuyến qua kênh ngân hàng điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và OCB cũng không nằm ngoài xu hướng này”, đại diện OCB chia sẻ.
Không chỉ đơn giản hóa thủ tục đăng ký, việc miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ ngân hàng như: phí chuyển khoản, phí duy trì tài khoản... đi kèm các ưu đãi về hoàn tiền, tích điểm hay quay số trúng thưởng cũng là điều kiện thúc đẩy người dân ưu tiên lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến.
Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng đầu tiên thực hiện miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh ngân hàng điện tử mà không cần bất cứ điều kiện nào về số dư tài khoản. Theo đại diện ngân hàng này, sự an toàn, tiết kiệm thời gian, giảm được nhiều rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt.

Đồng thời, thuận tiện trong khi phải trả các khoản lớn, số tiền lẻ… đã khiến các kênh thanh toán điện tử được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Chính sách miễn phí chuyển tiền là sự đồng hành, sẻ chia của Agribank với khách hàng trong bối cảnh khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2021 mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các ngân hàng đã chính thức ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ Chuyển tiền nhanh NAPAS247 bằng mã QR theo hình thức trực tuyến.
Dịch vụ Chuyển tiền nhanh NAPAS247 bằng mã VietQR cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài khoản của mình tới tài khoản tại một ngân hàng khác trong mạng lưới của Napas theo phương thức chuyển tiền nhanh 24/7 (thực hiện theo thời gian thực, 24 giờ trên/ngày và 7 ngày/tuần) với hạn mức tối đa của một giao dịch dưới 500 triệu đồng thông qua hình thức quét mã QR thanh toán.
Với phương thức thanh toán mới này, Napas và các Ngân hàng thành viên hướng tới việc tiếp tục cung cấp cho khách hàng những tiện tích mới trong chuyển tiền và thanh toán không tiếp xúc. Điều này nhằm gia tăng trải nghiệm người dùng, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống COVID-19 như hiện nay.
Không chỉ chuyển khoản, các hình thức thanh toán online, thanh toán qua ví điện tử, thẻ không tiếp xúc, QRCode... cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Số liệu mới nhất về thanh toán không tiền mặt từ Napas cho hay, 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngược lại, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống Napas giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020 và 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.
Những con số này phần nào đã phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, thanh toán của người dân trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
*Đa dạng dịch vụ tài chính online

Tuy thanh toán không dùng tiền mặt đã ghi nhận những số liệu tích cực, nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn, đặc biệt tại khu vực vùng sâu vùng xa.

Nắm bắt được thực tế này, là một trong những ngân hàng có mạng lưới chi nhánh rộng lớn phủ sóng khắp các vùng miền trên cả nước, Agribank đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại của người dân tại vùng sâu vùng xa. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này.
Theo đó, dịch vụ ngân hàng lưu động được Agribank triển khai trên tất cả các vùng miền của đất nước. Điều này, giúp người dân có thể mở thẻ, đăng ký sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, gửi tiền tiết kiệm, chuyển tiền…
Bên cạnh đó, Agribank mở rộng triển khai dịch vụ thẻ thấu chi với hạn mức lên tới 30 triệu đồng dành cho khách hàng và miễn phí lắp đặt và trang bị POS cho các nhà cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp. Từ đây, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn được thúc đẩy phát triển đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhận thấy chuyển đổi số giúp gia tăng mạnh mẽ tệp khách hàng cho ngân hàng. Đây là yếu tố sống còn cho việc tăng trưởng bền vững của mỗi tổ chức tín dụng, VPBank đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm được thiết kế riêng cho từng nhóm phân khúc khách hàng riêng biệt.
Cụ thể, khách hàng cá nhân được tiếp cận với ngân hàng số VPBank NEO hoàn toàn mới tại Việt Nam. Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể kết nối với người tiêu dùng và hệ thống đại lý bằng Cổng thanh toán EcomPay, Simplify; doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã được cung cấp dịch vụ thư tín dụng (L/C) 100% online …
Đa dạng sản phẩm, dịch vụ online đã giúp tệp khách hàng của VPBank tiếp tục mở rộng, đạt gần 19 triệu khách hàng tính đến 30/6/2021. Tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh ngân hàng số đạt 73%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch online tăng 200% so với cùng kỳ 2020.
Tỷ lệ mở mới hợp đồng cho vay thông qua các kênh số hóa đến cuối quý II/2021 đạt trên 80% và đặc biệt tỷ lệ số dư tiền gửi online trên tổng tiền gửi của ngân hàng đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng lên mức 18,8% đến cuối quý II/2021 so với mức 15,5% tại ngày 31/12/2020.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng số hợp nhất với các nền tảng, cho phép khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng ngay khi đang trò chuyện trên các ứng dụng chat với bạn bè, người thân, đối tác qua Zalo, Viber, messenger, imessage… mà không cần chuyển đổi giữa các ứng dụng cũng tạo trải nghiệm thú vị và tiện lợi hơn cho người dùng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng: "Việc phát triển ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán online không chỉ giúp khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ hiện đại, tiện lợi hơn mà với các ngân hàng, đây cũng là giải pháp tiết kiệm chi phí hoạt động. Hơn nữa, khi khách hàng sử dụng thanh toán online, lượng tiền mặt trong tài khoản sẽ là một khoản tiền gửi không kỳ hạn lớn. Điều này góp phần giảm chi phí vốn đầu vào cho ngân hàng; tạo điều kiện giúp ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng hơn nữa trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay".
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trình Chính phủ. Đây là văn bản được Ngân hàng Nhà nước dồn nhiều tâm huyết với thời gian soạn thảo kéo dài từ năm 2018 đến nay.

Dự thảo mở ra hy vọng về việc tạo các cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và phòng chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục