Thanh toán online tăng mạnh trong dịch COVID-19

19:26' - 15/06/2021
BNEWS Thời gian gần đây, các giao dịch không dùng tiền mặt, thanh toán online đã tăng mạnh. Bởi đây chính là một giải pháp thanh toán an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng là mục tiêu của Chính phủ, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - thúc đẩy tài chính toàn diện đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững.

* Đa dạng các hình thức thanh toán online

Sau nhiều năm quen dùng tiền mặt để chi tiêu, những năm gần đây, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, các giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng mạnh.

Mọi thanh toán từ học phí, tiền điện, nước, điện thoại... đều có thể thực hiện thông qua chiếc điện thoại có kết nối internet.

Không chỉ chuyển khoản, các hình thức thanh toán online, thanh toán qua ví điện tử, nạp tiền điện thoại qua ví, đặt đồ ăn trả tiền qua app... cũng trở nên phổ biến.

Bên cạnh mang lại những lợi ích thiết thực, như: giao dịch thuận tiện, nhanh chóng (kể cả có khoảng cách địa lý), tránh rủi ro (tiền giả, mất cắp)... trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, thanh toán online còn giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.

Cập nhật số liệu mới nhất về thanh toán không tiền mặt, lãnh đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngược lại với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020 và 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Các con số trên cho thấy người dân lựa chọn phương thức mua sắm, chi tiêu trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đồng thời, ghi nhận kết quả tích cực việc triển khai, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ. 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng, 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mục tiêu đề ra tại Đề án.

Đến cuối tháng 3/2021, trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

Thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động, QR code thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, trong 3 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.

* Đẩy mạnh hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính-ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được đưa ra từ năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020”.

Từ đó đến nay, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với Chính phủ, các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện lợi mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, như: eKYC, QR code, thanh toán không tiếp xúc...; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng, như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế…

Một trong những cú hích thanh toán không tiền mặt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua là việc miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhằm tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, như ban hành thông tư 16 hướng dẫn về việc mở tài khoản thanh toán với nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông (mobile money) thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động truyền thông giáo dục tài chính sáng tạo, ấn tượng như chương trình "Tiền khéo, tiền khôn", "Đồng tiền thông thái", mới đây nhất là chương trình "Tay hòm chìa khóa"...

Qua đó, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tín dụng đen và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; hỗ trợ chuyển đổi số nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Ngày không tiền mặt năm nay được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nên Ban tổ chức cùng với các đơn vị đồng hành thống nhất tập trung cho các hoạt động online.

Trong đó, rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho người tiêu dùng trong dịp này, với sự tham gia của nhóm các ngân hàng, như: Sacombank, Vietinbank, HDBank, Vietcombank, Agribank, nhóm các đơn vị trung gian thanh toán và Fintech, như: Napas, VISA, JCB, ShopeePay, Momo, ZaloPay, VNPay, các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp dịch vụ như Saigon Co.op, VietjetAir…

Trong khuôn khổ chương trình Ngày không tiền mặt, ngày 15/6/2021, NAPAS và 14 ngân hàng thành viên chính thức công bố nhận diện thương hiệu VietQR và Dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã QR (gọi tắt là Chuyển nhanh Napas247) cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài khoản của mình tới tài khoản tại một ngân hàng khác trong mạng lưới của Napas theo phương thức chuyển tiền nhanh 24/7 (24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần).

Mỗi khách hàng có thể thực hiện khởi tạo mã QR cá nhân tại ứng dụng thanh toán mobile banking của các ngân hàng hoặc tại website Vietqr.net.

Chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt sẽ tạo cơ hội cho người dân cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục