Dịch COVID-19: Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào tháng 9

17:33' - 25/01/2021
BNEWS Ngày 25/1, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 tới và đặt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 9 năm nay.

Với tiến độ đề ra này, Hàn Quốc dự tính có thể đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 11/2021.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã thông báo một loạt nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay, trong đó bao gồm việc cung cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân Hàn Quốc nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11/2021.

Miễn dịch cộng đồng hình thành khi tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với một bệnh, theo đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm và có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan.

Theo KDCA, Chính phủ Hàn Quốc đã mua đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 56 triệu người dân theo Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng và các hợp đồng riêng rẽ với 4 công ty dược nước ngoài.

Ngoài ra, chính phủ cũng chuẩn bị ký một hợp đồng với hãng dược phẩm Novavax của Mỹ nhằm đảm bảo có thêm vaccine ngừa COVID-19 cho 20 triệu người. KDCA cho biết chương trình vaccine này sẽ đủ để tiêm chủng cho toàn bộ 52 triệu dân tại Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, những nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện, viện điều dưỡng và viện dưỡng lão sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine trong quý I.

Những người ngoài 65 tuổi và những người làm việc tại các cơ sở y tế khác sẽ được chủng ngừa trong quý II.

Trong quý III, những người mắc bệnh mãn tính và người lớn từ 19 đến 64 tuổi sẽ được tiêm chủng.

KDCA cũng lưu ý rằng nhà chức trách nỗ lực đảm bảo các dây chuyền lạnh khác nhau vì mỗi loại vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất.

Giới chức Hàn Quốc cho biết vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) sẽ được vận chuyển đầu tiên vào khoảng tháng 2, tiếp theo là vaccine của công ty con Janssen's của Johnson & Johnson (Mỹ) và Moderna (Mỹ) vào quý II, trong khi Pfizer (Mỹ) vào quý III.

Chương trình tiêm chủng sẽ được thực hiện tại 250 địa điểm khác nhau, bên cạnh khoảng 10.000 cơ sở y tế trên toàn quốc.

KDCA cũng cho biết sẽ tiếp tục các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm virus và tăng số lượng xét nghiệm PCR lên tới 240.000 trường hợp/ngày.

Cùng ngày, ông Rasmus Bech Hansen, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Airfinity có trụ sở tại London (Anh), dự đoán phải vài tháng sau khi tổ chức Thế vận hội Olympics Tokyo 2021 Nhật Bản mới có thể đạt được "miễn dịch cộng đồng" đối với bệnh COVID-19 thông qua việc tiêm chủng đại trà.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã cam kết có đủ vaccine tiêm chủng cho người dân vào giữa năm 2021.

Theo ông Hansen, Nhật Bản "tụt hậu" so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác trong việc triển khai tiêm chủng dù nước này sở hữu số lượng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất ở châu Á.

Ông Hansen lưu ý: "Nhật Bản dường như nhập cuộc khá muộn. Họ phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiều vaccine từ Mỹ. Hiện tại, rất có khả năng Nhật Bản sẽ không nhận được vaccine với số lượng lớn, chẳng hạn như vaccine của hãng Pfizer (Mỹ)".

Ông Hansen cho rằng Nhật Bản sẽ không đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số - tỷ lệ đủ để hình thành "miễn dịch cộng đồng" - cho đến khoảng tháng 10 - khoảng 2 tháng sau khi kết thúc Thế vận hội Olympic.

Nhật Bản đã đạt được các thỏa thuận mua 314 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ các công ty dược phẩm Pfizer, Moderna và AstraZeneca để tiêm chủng cho toàn bộ 126 triệu dân của nước này.

Tuy nhiên, những vấn đề bộc lộ trong các đợt triển khai vaccine ở những nơi khác làm dấy lên hoài nghi về khả năng Nhật Bản nhận được nguồn cung này đúng hạn.

Theo ông Hansen, đơn giản là không có đủ vaccine cho tất cả các nước mà Pfizer đã ký thỏa thuận.

Mỹ cần thêm 100 triệu liệu vaccine của Pfizer để đảm bảo đạt các mục tiêu của họ và phần nhiều trong số này sẽ lấy từ phần dành cho Nhật Bản.

Hiện Bộ Y tế Nhật Bản chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Trước đó, Pfizer thông báo đang nỗ lực tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, hướng tới mục tiêu sản xuất khoảng 2 tỷ liều vaccine vào năm 2021.

Pfizer đang mở rộng quy mô cơ sở ở Puurs, Bỉ, điều này sẽ ảnh hưởng tạm thời đối với việc cung cấp một số lô hàng vaccine cho đến giữa tháng 2 tới.

Công ty này cho biết đang "hợp tác chặt chẽ với tất cả các chính phủ về việc phân bổ vaccine"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục