Dịch COVID-19 làm tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến nhiều thế hệ tại Mỹ

14:46' - 31/03/2021
BNEWS Để hỗ trợ các nhà quảng cáo, tập đoàn Oracle có trụ sở tại California (Mỹ) đã nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong nhiều thế hệ trong thời gian một năm diễn ra dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến xu hướng mua sắm, để hỗ trợ các nhà quảng cáo, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia Oracle có trụ sở tại California (Mỹ) đã nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong nhiều thế hệ trong thời gian một năm diễn ra đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Oracle đã nghiên cứu hành vi mua sắm của 75 triệu hộ gia đình Mỹ với tổng chi tiêu 762 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 12/2020.

Nghiên cứu cho thấy mua sắm trực tuyến đã tăng mạnh trong toàn bộ các nhóm. Thế hệ "Baby Boomers" (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1946-1964) đã đi đầu trong việc thúc đẩy mua sắm trực tuyến, khi có số người sử dụng dịch vụ này tăng 5,7 lần trong một năm, mức tăng của thế hệ Millennials (những người trưởng thành vào đầu thế kỷ 21) là 4,3 lần.

Nguyên nhân nhiều khả năng là do có nhiều người trong thế hệ Baby Boomers nằm ở các nhóm thu nhập cao, với 24% số người có thu nhập từ 100.000-150.000 USD.

Những người thuộc thế hệ "Baby Boomers" có xu hướng mua các sản phẩm truyền thống như thịt, khoai tây, trong khi các thế hệ trẻ hơn chủ yếu mua các đồ ăn chế biến sẵn. "Baby Boomers" cũng là những người thích nấu ăn tại nhà.

Theo nghiên cứu, nhu cầu thực phẩm chế biến sẵn như cơm hộp hay pizza đông lạnh đã tăng lên vào giai đoạn đầu đại dịch từ tháng 3 đến tháng 5/2020. Tỷ lệ này hiện vẫn duy trì ở mức cao.

Thế hệ Millennials là nhóm chi tiền nhiều nhất cho đặt hàng đồ ăn trực tuyến, thói quen xuất phát từ xu hướng ngày càng có nhiều người làm việc từ xa.

Thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn từ 1965-1980) cũng ưa thích các sản phẩm mới, như các loại khoai tây chiên, soda, sốt caramel.

Về phần mình, thế hệ Z (những người sinh ra trong giai đoạn từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đến những năm đầu thập niên 2010) lại hứng thú với các sản phẩm như kẹo, bia, hay thích trải nghiệm các sản phẩm mới như bỏng ngô vị phô mai hay đồ ăn vặt có nhiều phô mai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục