Dịch COVID-19 sáng 3/4: Ghi nhận một số dấu hiệu khả quan

06:08' - 03/04/2020
BNEWS Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 75.932 ca mắc mới và 5.695 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc COVID-19 vượt mốc 1 triệu người.

Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục trên toàn thế giới là 212.015 người, trong khi có 708.519 ca có các triệu chứng nhẹ và 37.707 ca đang trong tình trạng nguy kịch (chiếm 5%).

Báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy những người nhiễm chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) có thể lây lan virus cho người khác từ 1-3 ngày trước khi có các triệu chứng mắc bệnh như sốt, ho hoặc thở gấp.

CDC đã xem xét khoảng 243 ca mắc COVID-19 tại Singapore từ ngày 23/1 đến 16/3, trong đó đặc biệt chú ý đến 7 nhóm mà sự lây nhiễm xảy ra trước khi xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh, giúp lý giải tại sao lại có người thứ 2 bị nhiễm.

Phát hiện này nhấn mạnh hơn nữa cách thức lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và lý do tại sao các biện pháp kiềm chế dịch bệnh có thể là rất khó khăn.

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge hôm 2/4 cho biết hơn 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 ở châu Âu trên 60 tuổi nhưng những người trẻ tuổi không nên chủ quan.

Người đứng đầu Văn phòng WHO tại châu Âu nhấn mạnh các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng đã được phát hiện ở những người trong độ tuổi thiếu niên hoặc độ tuổi 20, có nhiều trường hợp cần được chăm sóc y tế đặc biệt và một số trường hợp kém may mắn đã không qua khỏi.

Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là số bệnh nhân phải thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt ở Pháp trong 24 giờ qua là 382 người, giảm so với 3 ngày liên tiếp trước đó. Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm.

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

6h ngày 3/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 6 ca nhiễm nCoV, gồm một nhân viên công ty Trường Sinh, 5 người từ nước ngoài về và được cách ly ngay. Tính đến giờ, số ca mắc COVID liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai là 44, trong số này có đến 28 bệnh nhân là nhân viên Công ty Trường Sinh.

6 ca mới nâng số bệnh nhân ghi nhận trong 24 giờ qua lên 11, tổng cả nước có 233 ca mắc Covid-19. 11 bệnh nhân xuất viện trong ngày 2/4, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 75.

Như vậy, diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay:

Tử vong: 0

Số trường hợp mắc: 233

Trong đó, tổng số ca bình phục là 75:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 

-  59 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 2/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2

* Thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến chiều 2/4/2020, Việt Nam đã có thêm 12 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có 1 bệnh nhi số 73 điều trị tại khoa Truyền nhiễm Trung tâm y tế huyện Thanh Miện (Hải Dương) được công bố khỏi bệnh trong buổi sáng và 11 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố trong buổi chiều.

Như vậy tính đến thời điểm này, đã có 75 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam khỏi bệnh/ra viện.

* Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tại Việt Nam, tính đến 19 giờ ngày 2/4, 37 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính 1 lần trở lên, trong đó có 16 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên. 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó 1 bệnh nhân phải thở máy, lọc máu, 2 bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và cai máy thở. 

Cả nước có hơn 15.800 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đã được loại trừ; hơn 4.500 trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly. Gần 73.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tập trung tại bệnh viện, tại các cơ sở khác và cách ly tại nhà, nơi lưu trú. 

Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm 73.164 mẫu cho kết quả 227 mẫu dương tính và 72.937 mẫu âm tính. 

Bộ Y tế cho biết, ngày 4/4 tới đây sẽ tổ chức “Hội nghị trực tuyến về tăng cường phòng chống dịch COVID-19” nhằm cập nhật những diễn biến mới nhất, đồng thời thảo luận những vấn đề liên quan đến dịch về tình hình dịch trên thế giới và trong nước.

* Chiều 2/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID – 19 thành phố Hà Nội có công văn hỏa tốc về việc rà soát những trường hợp liên quan ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương liên hệ với toàn bộ các bệnh nhân dương tính với virus SARS – CoV - 2 từ Bệnh viện Bạch Mai, người lao động của Công ty TNHH Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ lịch trình đi lại, sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc từ ngày 10/3/2020 đến thời điểm đưa đi cách ly, điều trị.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến 6 giờ sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 204 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tổng số 1.011.128 người mắc COVID-19 và 52.887  ca tử vong.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc bệnh, lên tới 241.658 người, trong đó có 5.827 người tử vong. Tiếp theo là Italy với 115.242 ca mắc nhưng số trường hợp tử vong lại cao nhất thế giới, với 13.915 ca tử vong. Đứng ở vị trí thứ ba là Tây Ban Nha với 112.065  ca mắc, 10.348 ca tử vong. 

Như vậy, đến thời điểm này, hai nước có số ca tử vong đã vượt mốc trên 10.000 là Italy và Tây Ban Nha. Số ca tử vong tại Mỹ, Italy và Tây Ban Nha đều vượt xa Trung Quốc.

Cùng trong 24 giờ qua, thứ tự trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới đã có sự thay đổi khi Đức đã vượt qua Trung Quốc về số ca mắc COVID-19 để đứng ở vị trí thứ tư.

Trung Quốc, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở các vị trí tiếp theo trong danh sách 10 nước có ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 74.864 ca mắc mới và 52.869 ca tử vong, trong đó Pháp là nước có số ca tử vong theo ngày lớn nhất thế giới với 1.355 người. 

1. MỸ

Theo số liệu cập nhật đến 6 giờ sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 241.658 người sau khi tăng thêm 26.655 người so với ngày trước đó.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã quy trách nhiệm cho Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khi đến giữa tháng Một vừa qua, CDC vẫn đánh giá nguy cơ của dịch COVID-19 đối với người Mỹ là thấp. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Pence cho rằng dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ có thể sẽ chấm dứt vào đầu tháng Sáu nếu người dân tuân thủ mọi chỉ dẫn được tuân thủ.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump coi những nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 là "vấn đề sống còn". 

Ông kêu gọi mọi người dân cần chuẩn bị cho những ngày khó khăn ở phía trước khi đất nước trải qua "hai tuần vô cùng cam go", đồng thời yêu cầu họ tuân thủ các chỉ dẫn phòng chống dịch của chính phủ.

Không chỉ bang New York với tâm dịch là “Thành phố không bao giờ ngủ” mà có khả năng một loạt các bang và thành phố khác của Mỹ như New Jersey, California, Wisconsin hay thành phố Michigan hoặc Chicago cũng có thể trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh và phải đối mặt với tình trạng quá tải vì số ca nhiễm tăng lên gấp nhiều lần mỗi ngày. 

Ngay sau khi tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, Chính phủ Mỹ cũng như các nhà lập pháp đã nhanh chóng đưa ra 3 dự luật hỗ trợ kinh tế, trong đó dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. 

Dự luật thứ 3 trị giá 2,2 nghìn tỷ là dự luật lớn nhất trong lịch sử của Mỹ cũng đã được thông qua nhằm hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với tình trạng gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.  

Không chỉ dừng lại ở đây, các nhà lập pháp Mỹ hiện đang tiếp tục thảo luận nhằm đưa ra gói hỗ trợ thứ tư, giúp các công ty có vốn cũng như trả lương cho hàng triệu người lao động, bởi hiện vẫn chưa thể biết mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu.

Cùng với chính quyền, các doanh nghiệp Mỹ cũng đã thực sự vào cuộc. Một loạt các nhà máy, các hãng và tập đoàn lớn của Mỹ như Abbott, General Motor, Telsa hay Proter and Gamble (P&G) tuyên bố cùng chung tay sản xuất các thiết bị y tế cần thiết như máy trợ thở, nước rửa tay khô và các sản phẩm diệt khuẩn. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng nhằm trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất máy trợ thở dành cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nhận được nguồn cung ứng các vật tư cần thiết.

Trong một bản ghi được Nhà Trắng công bố, ông Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sử dụng thẩm quyền của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung ứng các vật liệu sản xuất máy trợ thở dành cho 6 công ty gồm General Electric Co, Hill-Rom Holdings Inc, Medtronic Plc, Resmed Inc, Royal Philips N.V. và Vyaire Medical Inc.

Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Goolge cũng áp dụng việc phân tích số liệu để có được thông tin về dịch bệnh cung cấp cho người dân kịp thời.

2. ITALY

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tính đến rạng sáng ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam), quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận thêm 4.668 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 115.242 trường hợp.

Cũng theo cơ quan trên, trong 24 giờ qua, Italy đã ghi nhận thêm 760 bệnh nhân tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng trong đại dịch này lên 13.915 trường hợp, cao nhất thế giới. Trong khi đó, số bệnh nhân được điều trị thành công là 18.278 người, tăng 1.431 trường hợp.

Tại vùng tâm dịch Lombardy, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 hiện là 46.065 trường hợp, trong đó có 7.960 người tử vong

3. TÂY BAN NHA

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng Việt Nam ngày 3/4, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng số 112.065 ca mắc COVID-19 và 10.348 ca tử vong, tăng lần lượt 7.947 ca và  961 ca so với 24h trước đó.

Bộ Lao động Tây Ban Nha cho biết một trong các hậu quả lớn của dịch COVID-19 là số người thất nghiệp trong tháng 3 tăng thêm 302.265 người, mức tăng cao nhất hằng tháng ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu này sau khi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. 

Với mức tăng này, tổng số người thất nghiệp tại Tây Ban Nha trong tháng 3 đã lên tới 3,54 triệu người, đây cũng là mức cao thứ hai trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), chỉ sau Hy Lạp.

Thông báo cho biết dịch bệnh "đã thay đổi xu hướng" về số người thất nghiệp trong tháng 3, sau khi chỉ có 2.857 người thất nghiệp trong 12 ngày đầu tiên của tháng. Lĩnh vực dịch vụ ghi nhận số người thất nghiệp nhiều nhất, với 206.016 người, tại một quốc gia mà du lịch đóng góp tới 12% vào GDP.

Kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, Tây Ban Nha cũng đã siết chặt các hạn chế, với việc những lao động trong lĩnh vực không trọng yếu được yêu cầu ở nhà từ ngày 30/3. 

Các hạn chế này sẽ kéo dài đến ngày 12/4 nhưng Madrid sẽ có thể gia hạn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp dù lây lan với tốc độ chậm hơn.

4.ĐỨC

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ Việt Nam ngày 3/4, Đức có 84.788 ca mắc COVID-19 và 1.107 ca tử vong, tăng lần lượt 6.807 và 176 ca so với 24h trước đó. Theo đó, Đức đã vượt qua Trung Quốc về số ca mắc COVID-19.

3 bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 19.000 ca và 277 ca tử vong; Nordrhein-Westfalen với trên 17.000 ca, 197 ca tử vong và Baden-Württemberg với trên 14.500 ca nhiễm, 241 ca tử vong. Số người mắc COVID-19 ở thủ đô Berlin đang tiếp tục tăng, lên gần 3.000 trường hợp và 19 ca tử vong.

Theo thông báo của Viện Robert Koch, tại Đức đã có trên 2.300 y bác sĩ mắc COVID-19, song con số thực tế còn có thể cao hơn bởi RKI mới chỉ tính các trường hợp y, bác sĩ ở các bệnh viện, chưa thống kê lực lượng làm việc ở các phòng khám, phòng xét nghiệm, cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão hay lực lượng làm công tác cứu thương.

Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn Siemens vừa thông báo phát triển thành công bộ thử virus cho kết quả trong chưa đầy 3 giờ. 

Hiện Siemens đang nộp đơn lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin giấy phép sử dụng thiết bị này cho các bệnh viện và cơ sở y tế. Trước đó, hãng Bosch của Đức cũng đã thông báo sản xuất được bộ thử virus cho kết quả trong khoảng 2,5 giờ. 

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức sẽ kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào ngày 19/4 tới nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo các quy định hiện hành, người dân được yêu cầu hạn chế liên lạc và tiếp xúc với những người không phải là thành viên trong gia đình ở mức tối thiểu, ngay cả trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh. 

Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch và thăm người thân trong các ngày nghỉ lễ. Thủ tướng Merkel cũng cho biết bà và người đứng đầu các bang sẽ đánh giá lại tình hình trong cuộc họp vào ngày 14/4 tới.

Trong khi đó, Viện Robert Koch, từ phản đối, nay đã thay đổi đánh giá về tác dụng của việc đeo khẩu trang. Trang web của RKI đã ra khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang phòng ngừa ngay cả khi người đó không có triệu chứng bị bệnh và việc đeo khẩu trang có thể giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus cho người khác.

Song về khả năng áp dụng yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra những nơi công cộng, Thủ tướng Merkel cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng và trước mắt Chính phủ Đức chưa đưa ra quyết định chính thức.

Ngày 2/4, Quân đội Liên bang Đức đã thành lập một đội ngũ gồm 15.000 người để hỗ trợ dân sự trong bối cảnh khủng hoảng. Phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định, quân đội Đức sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp các lực lượng dân sự cạn kiệt, và “Đội ngũ dự phòng Corona” sẽ được sử dụng trong lĩnh vực y tế và hậu cần.

5.TRUNG QUỐC

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ Việt Nam ngày 3/4, Trung Quốc có 81.589 ca mắc COVID-19 và 3.318 ca tử vong, tăng lần lượt 35 và 6 ca so với 24h trước đó.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết kể từ khi dịch bùng phát ở nước ngoài đến nay, các vật tư y tế như khẩu trang rơi vào tình trạng rất khan hiếm ở nhiều nơi trên thế giới. Các đại sứ quán và lãnh sự quán của Trung Quốc ở nước ngoài đã thông qua nhiều kênh khác nhau để huy động và cấp phát cho du học sinh Trung Quốc "gói sức khỏe" bao gồm các vật tư y tế cần thiết như khẩu trang, dung dịch khử trùng, khăn ướt khử trùng…

Đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cấp phát 500.000 "gói sức khỏe" cho du học sinh Trung Quốc, trong đó bao gồm hơn 11 triệu khẩu trang, 500.000 chai dung dịch khử trùng, sổ tay phòng chống dịch. 

Trong bối cảnh nhiều nước áp dụng chính sách "đóng cửa đất nước", "đóng cửa thành phố", Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Cục Hàng không Dân dụng sử dụng máy bay để ưu tiên vận chuyển, nhằm đảm bảo "gói sức khỏe" kịp thời được cung cấp cho các du học sinh Trung Quốc.

6. PHÁP

Theo thống kê của trang worldometer.info, trong 24 giờ qua, dịch COVID-19 đã khiến 1.355 người thiệt mạng. Như vậy, nước Pháp đến nay đã ghi nhận 5.387 trường hợp tử vong tại các bệnh viện do virus SARS-CoV-2; tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp hiện là 59.105 người.

Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là số bệnh nhân phải thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt trong 24 giờ qua là 382 người, giảm so với 3 ngày liên tiếp trước đó. 

Trong số 6.399 bệnh nhân nặng, có 35% dưới 60 tuổi và 90 người dưới 30 tuổi. Tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Pháp được xác nhận thông qua xét nghiệm đã lên tới 59.105 người, trong đó có 26.646 người đang điều trị trong các bệnh viện.

Liên quan đến người cao tuổi trong các viện dưỡng lão, Bộ Y tế Pháp dẫn số liệu thống kê chưa đầy đủ cho hay, có 14.638 trường hợp nghi nhiễm hoặc đã được xác nhận là bệnh nhân COVID-19 và 884 ca hợp tử vong do virus SARS-CoV-2.

Kể từ ngày 18/3, 439 bệnh nhân nặng trong tình trạng nguy kịch đã được chuyển từ các bệnh viện quá tải trong vùng tâm dịch đến những vùng khác ít bị ảnh hưởng hơn. Các nước láng giềng như Luxembourg, Áo, Đức và Thụy Sĩ cũng đã đón nhận nhiều bệnh nhân người Pháp

7. IRAN

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 3/4, Iran đã ghi nhận tổng số 50.468 ca mắc COVID-19 và 3.160 ca tử vong, tăng lần lượt 2.875 ca và 124 ca so với 24h trước đó.

Hiện Mỹ đang cân nhắc có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Iran nhằm giúp chống dịch COVID-19.  

Liên hợp quốc cũng kêu gọi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các quốc gia như Iran nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân khi dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nêu rõ: “Những ngày qua thế giới đang phải đương đầu với một thách thức chung. Thời điểm này, thách thức đó không liên quan đến các đường biên giới hay lợi ích mà là về vấn đề nhân đạo, đời sống và lối sống..." 

Chính vì vậy, những lệnh trừng phạt của Mỹ tiếp tục chất thêm gánh nặng lên người dân Iran, vốn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh, khiến cuộc sống của họ thêm cực khổ và không có nhiều lựa chọn để sinh tồn.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 2/4 đưa tin, Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Larijani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện nhà lãnh đạo này đang được cách ly và điều trị.

8. ANH

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 3/4, Anh đã ghi nhận tổng số 33.718 ca mắc COVID-19 và 2.921 ca tử vong, tăng lần lượt 4.244 ca và 569 ca so với 24h trước đó.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh sẽ "tăng cường xét nghiệm hàng loạt" trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang hoành hành mạnh tại nước này. 

Trong một thông điệp truyền hình đăng tải trên mạng tối 1/4 từ Phố Downing, nơi ông đang thực hiện tự cách ly từ ngày 27/3 do nhiễm virus, Thủ tướng Johnson cho biết: "Chúng ta sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt". Theo ông, xét nghiệm là cách để giải quyết câu hỏi về việc virus đang ở đâu, là "cách để chúng ta đánh bại nó".

Ngày 2/4, một liên danh gồm nhiều hãng chế tạo trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các đội xe đua công thức 1 đã ra thông báo trong vài tuần tới, họ có thể sản xuất ít nhất 1.500 máy trợ thở mỗi tuần.

Các Tập đoàn Airbus, Ford, Rolls-Royce và Tập đoàn chế tạo vũ khí BAE đã "bắt tay" với 7 đội đua xe công thức 1 để hình thành liên danh tham gia sản xuất 2 loại máy trợ thở dựa trên công nghệ hiện có của Tập đoàn Penlon và Smiths Group ở Anh.

Liên danh trên ra đời theo lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Boris Johnson  đối với các nhà sản xuất công nghiệp nhằm sản xuất các thiết bị cứu sinh cần thiết trước khi dịch bệnh lên đến điểm đỉnh.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang chạy đua sản xuất máy trở thở để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Hiện Anh chỉ có gần 8.200 máy trợ thở phục vụ cho 67 triệu người dân, tức là một máy cho 8.000 người. Chính phủ Anh đã kêu gọi sản xuất hàng loạt máy trợ thở để có thể đạt 30.000 máy cần thiết.

9. THỤY SĨ

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 3/4, Thuỵ Sỹ đã ghi nhận tổng số 18.827 ca mắc COVID-19 và 536  ca tử vong, tăng lần lượt 1.059 ca và 48 ca so với 24h trước đó.

10. THỔ NHĨ KỲ

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 3/4, Thổ Nhĩ Kỳ có thêm 2.456 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 79 ca tử vong so với 24h trước đó. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tính đến nay là 18.135 ca trong đó 356 ca đã tử vong.

Theo Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ  Fahrettin Koca, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 14.369 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Hiện có 979 bệnh nhân đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt và thêm 692 người phải đặt ống thở. Số ca phục hồi tại Thổ Nhĩ Kỳ là 333 ca.

Với 8.852 ca nhiễm, Istanbul là khu vực có số ca nhiễm cao nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đó là  Izmir với 853 ca và thủ đô Ankara với 712 ca.

Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines sẽ kéo dài việc hủy các chuyến bay từ ngày 17/4 sang 1/5 do dịch COVID-19. Tuy nhiên, 14 chuyến bay nội địa sẽ vẫn được duy trì.

Cuối tuần trước, Turkish Airlines đã thông báo sẽ ngừng mọi chuyến bay nội địa và quốc tế trong bối cảnh chính quyền đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 

Ngoài 10 nước có số ca nhiễm virus cao nhất thế giới kể trên, tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia cũng đang diễn biến khá phức tạp.

HÀN QUỐC 

Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới 100 ca.

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 3/4, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng số 9.776 ca mắc COVID-19 và 169 ca tử vong, tăng lần lượt 89 ca và 4 ca so với 24h trước đó.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), hiện số lượng người nhiễm mới  mỗi ngày đã giảm xuống chỉ trên dưới 100 ca, song vẫn tiềm ẩn mối nguy cơ lớn khi trung bình mỗi ngày Hàn Quốc đón khoảng 300 người có triệu chứng từ nước ngoài nhập cảnh, 20-30% trong số đó dương tính với SARS-CoV-2.

Theo số liệu thống kê của KCDC ngày 2/4, số ca nhiễm mới ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận lần đầu tiên đã vượt mốc 1.000 lên 1.077 ca (tính đến 0h ngày 2/4). 

Phóng viên TTXVN tại Seoul cho biết số ca nhiễm mới tại thủ đô được xác định có liên quan đến Nhà thờ Tin lành Manmi và những người mới nhập cảnh. 

Hầu hết các ca nhiễm mới trở về từ nước ngoài đều sinh sống ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận và đây chính là lý do khiến khu vực này đang trở thành mối nguy mới.

Số liệu của KCDC cho biết hơn 70% số người nhập cảnh Hàn Quốc gần đây có địa chỉ thường trú ở Seoul. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, từ ngày 1/4, Hàn Quốc bắt buộc những người nhập cảnh phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn kiểm dịch ngay từ sân bay, tự cách ly 14 ngày đồng thời phải chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa của cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi cư trú.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công bố gói viện trợ nhân đạo trị giá 6 triệu USD cho 14 quốc gia đối phó dịch COVID-19, gồm 5 nước châu Á, ba nước Trung Nam Mỹ, 6 quốc gia châu Phi và Trung Đông.

Tính đến nay, đã có 55 quốc gia yêu cầu Hàn Quốc viện trợ nhân đạo. Seul sẽ tiến hành hỗ trợ theo thứ tự để không ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước.

NHẬT BẢN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng ngừa nguy cơ  hệ thống y tế nước này sụp đổ trong trường hợp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến.

Hiện số ca mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng, chủ yếu ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa phải chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh như ở nhiều nước khác. Mặc dù vậy, hệ thống y tế ở một số khu vực tại Nhật Bản đang rơi vào tình trạng quá tải, nhất là tại thủ đô Tokyo, Osaka, Kanagawa, Aichi, Hyogo.

Đối với các trường học, nhóm chuyên gia này cho rằng có vẻ như trẻ em chưa đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan. Mặc dù vậy, nhóm vẫn khẳng định việc đóng cửa các trường học là một phương án ở những khu vực có nguy cơ bùng nổ về số ca nhiễm bệnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động phù hợp với tình hình ở từng khu vực và cộng đồng.

Tại Tokyo, các số liệu thống kê cho thấy có tới gần 40% số ca mắc COVID-19 đều dưới 40 tuổi. Cụ thể, trong số 416 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tokyo trong thời gian từ ngày 25/3 đến 1/4, số người ở độ tuổi 30 chiếm tỷ lệ cao nhất (89 ca), trong khi số người ở độ tuổi 20 là 26, ở độ tuổi từ 10 đến 19 là 8, và chỉ có 4 ca dưới 10 tuổi.

Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo kế hoạch phân phát cho mỗi hộ gia đình ở nước này hai khẩu trang vải để phòng chống dịch COVID-19. 

Việc phân phát sẽ được thực hiện thông qua hệ thống bưu chính bắt đầu vào cuối tháng này ở những tỉnh, thành có số ca lây nhiễm cao. Chi phí mua khẩu trang sẽ được đưa vào gói ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020.

MALAYSIA

Trong khi đó, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 208 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên thành 3.116 người, cao nhất tại Đông Nam Á.

Bộ Y tế Malaysia cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 2/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 50 người.

THÁI LAN

Chính phủ Thái Lan sẽ cấm nhập cảnh vào nước này, kể cả người Thái, trong 15 ngày từ ngày 2-15/4 để chuẩn bị các cơ sở “cách ly nhà nước” sau khi nhiều bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Thái Lan liên quan đến các ca bệnh đến từ nước ngoài.

Quy định trên không áp dụng với những người đã được phép nhập cảnh trước khi chỉ thị trên có hiệu lực. Những công dân Thái bị ảnh hưởng của lệnh cấm nhập cảnh cần liên hệ với các đại sứ quán Thái Lan và nghe theo hướng dẫn của họ.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ cần thời gian để chuẩn bị hợp lý cho công tác cách ly nhà nước. Trong thời điểm này, các cơ quan liên quan sẽ chuẩn bị các địa điểm và phối hợp với các đại sứ quán của nước này để đảm bảo tất cả người dân Thái trở về nước sẽ được cách ly và được kiểm tra y tế đầy đủ.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22h ngày 3/4 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Theo đó, người dân bị cấm ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian từ 22h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như những người thực hiện nhiệm vụ về y tế, ngân hàng, vận chuyển hàng hóa cần thiết cho như cầu sinh hoạt của người dân, thuốc chữa bệnh, trang vật tư y tế, xăng dầu và những trường hợp đi lại của nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại các cảng hàng không nhưng phải được phép của lực lượng chức năng của những đơn vị này cho phép. 

Theo Điều 18 của Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp, người vi phạm quy định này sẽ phải đối mặt với hình phạt không quá 2 năm tù, hoặc phạt tiền không quá 40.000 THB (1.200 USD) hoặc phải chịu cả hai hình phạt.

Quy định trên cũng nêu rõ, nếu tỉnh nào có biện pháp mạnh hơn quy định của Chính phủ trung ương thì người dân ở khu vực đó phải tuân thủ quy định của địa phương.

Ông Prayut cho biết Chính phủ nước này đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm và dịch vụ cho tất cả người dân Thái, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các cửa hàng, dân buôn hoặc người dân cố tình lợi dụng tình hình để trục lợi.

NGA

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật trao thêm một số quyền cho nội các nước này, trong đó có việc ban bố lệnh trình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tăng nợ trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp cách ly và dịch tễ học.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã ghi nhận 3.548 trường hợp mắc COVID-19 ở 75 khu vực trên cả nước, trong đó có 30 người đã tử vong. 

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong thông điệp lần thứ hai gửi tới người dân Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo kéo dài thời hạn “ngày không làm việc” cho tới 30/4 để chống lại sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng thống Putin nhận định dịch COVID-19 trên thế giới cũng như tại Nga vẫn chưa qua giai đoạn đỉnh điểm.

Ông Putin cho biết nước Nga rất rộng lớn, vì thế việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương. Ví dụ tại thủ đô Moskva, dù đã áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh mẽ song dịch COVID-19 vẫn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng công dân.

Tổng thống Putin cho hay sẽ trao thêm quyền cho lãnh đạo các địa phương ở Nga để đến cuối tuần này có thể tự quyết định sẽ áp dụng các biện pháp dãn cách xã hội ở mức độ như thế nào tại địa phương của mình.

Trước đó, trong thông điệp đầu tiên gửi tới người dân Nga ngày 25/3, nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố một tuần không làm việc từ ngày 30/3-3/4 mà vẫn được hưởng lương.

Hiện Nga đang triển khai các nghiên cứu tiền lâm sàng về cơ chế hoạt động cụ thể của vacccine cho đến ngày 22/6, trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu để đánh giá tính an toàn cũng như khả năng miễn dịch của vaccine. 

Nga thử nghiệm vaccine chống COVID-19 trên người. Nguồn: VNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu nhà nước Vector trực thuộc Cơ quan giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) đã phát triển một hệ thống xét nghiệm phát hiện kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân và những người đã hồi phục sau điều trị COVID-19. Dự kiến, hạn chót cho việc đăng ký hệ thống thử nghiệm này là vào giữa tháng 4.

Ngoài ra, cơ quan chức năng Nga cũng đang tiến hành kiểm định nhiều loại thuốc điều trị COVID-19 đã được đăng ký với dự kiến sẽ công bố kết quả đánh giá chính thức vào ngày 10/4./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục