Học thuyết tiến hóa của Darwin có áp dụng trong cuộc khủng hoảng COVID-19? (Phần 2)

06:30' - 03/04/2020
BNEWS Rõ ràng mỗi lĩnh vực đều có những người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Trong mảng công nghệ, Amazon đang bổ sung 100.000 công nhân làm việc tại Mỹ để đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử tăng nhanh.
Học thuyết tiến hoá của Darwin có áp dụng trong cuộc khủng hoảng COVID-19? Ảnh: TTXVN phát

Trong khi đó, SoftBank, một tập đoàn của Nhật Bản vốn phụ thuộc nhiều vào các công ty khởi nghiệp, đã buộc phải công bố kế hoạch thoái vốn 41 tỷ USD tăng cường dự trữ tiền mặt. 

Trên thị trường năng lượng, giá cổ phiếu của những “gã khổng lồ” như ExxonMobil, Royal Dutch Shell và BP đang tỏ ra vượt trội hơn nhiều trong khi Occidental Petroleum, một công ty cỡ trung từng rất tích cực hoạt động để lớn mạnh, hiện phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ 40 tỷ USD.

Trên thị trường hàng không, “nhà vô địch” châu Âu Airbus tuyên bố họ đang nắm giữ khoảng 32 tỷ USD thanh khoản, trong khi đối thủ Boeing ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương lại mong mỏi những khoản cứu trợ từ Chính phủ Mỹ. 

Khả năng phục hồi của những “chú chim đầu đàn” cuối cùng sẽ trở thành một lợi thế lâu dài, cho phép họ giành được thị phần theo thời gian. Với việc chi phí vốn thấp hơn, các nhà cung cấp tất nhiên sẽ ưu tiên họ hơn là các đối thủ khác. 

Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận cao hơn và bộ đệm tiền mặt lớn cũng cho phép họ có đủ khả năng để đẩy mạnh đầu tư kể cả trong bối cảnh các công ty khác phải cắt giảm. 

Mặc dù vậy, một kịch bản khác hoàn toàn có khả năng sẽ xảy ra sau khi cuộc khủng hoảng qua đi. Học thuyết Darwin ngày nay có thể bị thách thức bởi việc các công ty yếu kém được hỗ trợ bởi các khoản vay và trợ cấp. 

Thực tế là các chính phủ Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã dành ra ít nhất 4.000 tỷ USD để cung cấp các khoản vay giá rẻ và bảo lãnh kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, doanh nghiệp hiểu rằng họ sẽ phải cung cấp các sản phẩm quan trọng với mức giá thấp hơn và cung cấp cho người lao động nhiều quyền lợi để có thể tồn tại trong điều kiện khó khăn. 

Ngoài ra, đối mặt với cuộc khủng hoảng, một số ngành công nghiệp có thể chứng kiến hiện tượng “xâu chuỗi” của các doanh nghiệp nhằm ổn định giá cả và sản xuất.

Điều này sẽ khiến cho các công ty mạnh hơn khó khẳng định lợi thế của họ. Hiện nay chưa ai có thể biết trước những kịch bản nào sẽ xảy ra đối với nền kinh tế cũng như diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đó là COVID-19 sẽ không chỉ có tác dụng lâu dài đối với xã hội và hành vi của người dân, mà đại dịch này sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh doanh toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục