Dịch COVID-19 sáng 31/3: Phong tỏa , kiểm soát chặt giúp tốc độ lây lan tại Italy chậm lại

05:58' - 31/03/2020
BNEWS Phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt tại Italy trong 2 tuần qua đã giúp tốc độ lây lan COVID-19 ở quốc gia này chậm lại và dự kiến đỉnh dịch sẽ rơi vào 7-10 ngày tới.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 31/3, toàn thế giới có 199 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với 160.813 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 2.960 ca tử vong. Đứng thứ hai là Italy với số ca nhiễm đã vượt qua mốc 101.739. Italy cũng là nước có số ca tử vong lớn nhất thế giới với 11.591 ca, bỏ xa Trung Quốc, Mỹ.

Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc trở thành nước đứng thứ ba trong danh sách 10 nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, với 87.956 ca nhiễm và 7.716 ca tử vong. 

Theo thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 31/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 780.997 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 37.567 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 164.685 người. Hiện thế giới có 578.745 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó có 29.480 ca trong tình trạng nguy kịch, chiếm 5%.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 57.607 ca mắc mới và 3.502  ca tử vong. 

Tuy nhiên, với biện pháp phong toả và kiểm soát chặt, tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại Italy và Tây Ban Nha đã chậm lại.

*Diễn biến dịch COVID-19  tại Việt Nam đến 6 giờ sáng 31/3

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tới 6 giờ sáng 31/3 đã có tổng số ca mắc COVID-19 là 204. Trong đó đáng chú ý là có  7/9 ca mắc COVID-19  được công bố là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh.

Từ ngày 18/3 đến nay, liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Bộ Y tế đã xác định Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch lớn, nguy hiểm.  Hiện số ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai là 32 ca trong đó có 4 ca là cán bộ, nhân viên của bệnh viện, 28 ca liên đới.

*Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều qua, 30/3, Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19; đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc; yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.

Diễn biến cụ thể như sau:

-Tử vong:  0

- Số trường hợp mắc:  204

 - Trong số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có: 67 người bị lây nhiễm từ nguồn trong nước; 137 người đến/trở về Việt Nam từ nước ngoài (56 người đến/trở về từ Anh, 18 người đến/trở về từ Pháp, 8 người đến/trở về từ Malaysia, 6 người đến/trở về từ Tây Ban Nha, 11 người đến/trở về từ Mỹ, 7 người đến/trở về từ Thái Lan, số còn lại từ những nước khác). 

- Trong đó, tổng số ca bình phục là 55:

+  16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 

+  39 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN29, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN51, BN53, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64,  BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187. 

+ Sức khỏe 4 bệnh nhân nặng đã có tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân số 26 đã bỏ máy thở, rút nội khí quản; ba bệnh nhân còn lại tình trạng ổn định (trong đó có một ca ECMO và hai ca thở máy) tiến triển tốt lên.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Theo thống kê của trang worldometer.info cập nhật đến 16h30 GMT ngày 30/3 (tức 23h 30 giờ Việt Nam), trong 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới, Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách với hơn 160.813 ca. Tiếp theo là Italy với 101.739 ca. Vươn lên đứng thứ ba là Tây Ban Nha với 87.956 ca. Trung Quốc đã tụt xuống thứ tư với 81.470 ca.

Kế tiếp là Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sỹ và Bỉ.

Như vậy trong 24 giờ qua, bên cạnh việc Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc thì Bì cũng đã vượt qua Hà Lan để đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 lớn nhất thế giới. 

Hai nước ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc đã tụt tiếp 1 bậc, đứng ở vị trí thứ 13 và Nhật Bản tụt 2 bậc đứng ở vị trí 31 trong số 199 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. 

1. MỸ: 

Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng 31/3 giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận 160.813 ca mắc COVID-19 và 2.960 ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại Mỹ đã tăng kỷ lục với 17.322 ca và số ca tử vong cũng tăng 377 ca.

Tính đến chiều 30/3, tam dịch của nước Mỹ là New York đã có thêm 7.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở tiểu bang lên 66.500 và quá nửa số ca, 36.221 là các ca nhiễm của thành phố New York. Số ca tử vong ở New York là 1.218 người.

Thống đốc Andrew Cuomo ngày 30/3 kêu gọi người dân cần tập trung chuẩn bị để đối phó với đỉnh dịch sắp tới, đồng thời cảnh báo tình trạng 253 người tử vong trong 24 giờ qua vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất mà căn bệnh COVID-19 sẽ gây ra cho tiểu bang New York.

Thống đốc Cuomo cho hay số người nhập viện vẫn đang tăng, hiện có 9.517 người được điều trị tại các bệnh viện nhưng chỉ có 2.352 người được điều trị tích cực với máy thở. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ lạc quan công bố hơn 4.200 người đã được ra viện sau khi điều trị.

Trong tháng 3, đã có 186.000 người được xét nghiệm ở tiểu bang New York, tương đương gần 1% dân số của tiểu bang. Mặc dù khả năng xét nghiệm của tiểu bang New York hơn rất nhiều các bang khác, các chuyên gia y tế vẫn cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết số người cần phải xét nghiệm để biết được mức độ lây lan của dịch ở đây.

Cùng ngày 30/3, siêu tàu bệnh viện mang tên Comfort với 1000 giường bệnh đã cập bến tại Manhattan, New York và sẽ được đưa vào hoạt động ngay để giảm tải bệnh nhân các bệnh khác cho các bệnh viện ở New York cứu chữa thêm nhiều người nhiễm virus SARS-Cov-2.

Trong ngày 30/3, hơn 150 tổ chức và cá nhân đã hối thúc công ty công nghệ sinh học Gilead của Mỹ không đăng ký độc quyền đối với thuốc remdesivir đang được thử nghiệm trong điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thư ngỏ gửi tới Giám đốc điều hành của Gilead, ông Daniel O'Day, 145 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và Oxfam, cùng 12 cá nhân khác đã chỉ trích việc công ty này đăng ký bằng sáng chế thuốc remdesivir tại hơn 70 quốc gia. Điều đó đồng nghĩa những quốc gia này có thể cản trở việc phát triển thuốc tương đương sinh học với loại thuốc nói trên tới năm 2031.    

Hơn 150 tổ chức và cá nhân nói trên cũng hối thúc Gilead tuyên bố  không đăng ký sản phẩm độc quyền loại thuốc trên, đồng thời cho rằng "cách tiếp cận độc quyền và dựa trên một phía sẽ khiến thế giới thất bại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ngay bây giờ, Gilead phải hành động vì lợi ích của mọi người!". 

Trước đó, trong thư ngỏ đăng trên trang web của Gilead, Giám đốc điều hành O'Day nhấn mạnh công ty này hy vọng remdesivir có thể được phê chuẩn là một loại thuốc an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Mỹ đã thiết lập “cầu hàng không” để vận chuyển nhanh chóng thiết bị vật tư y tế cần thiết được các công ty mua từ Trung Quốc về Mỹ trong 30 ngày tới. 

2. ITALY

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 30/3, Italy ghi nhận thêm 4.050 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 101.739 trường hợp. 

Số ca tử vong tăng lên 11.591 trường hợp (tăng 812 ca). Số ca hồi phục tăng lên 14.620 ca (tăng 1.590 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 27.795 ca nhập viện, 3.981 ca phải điều trị tích cực và 43.752 ca cách ly tại nơi ở.

Tại vùng tâm dịch Lombardia, ngày 30/3 đã ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới giảm đáng kể với 1.154 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm của vùng lên 42.161. Tuy nhiên số ca tử vong trong ngày vẫn ở mức cao với 458 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của vùng lên 6.360 người.

Công ty công nghệ sinh học Takis đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm 5 loại vaccine chống SARS-CoV-2. Theo Giám đốc điều hành của Takis, Luigi Aurisicchio, các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ cho kết quả vào giữa tháng 5 và việc tiến hành thử nghiệm trên người có thể được bắt đầu vào mùa Thu năm nay. Các loại vaccine của Takis được nghiên cứu dựa trên sự khác nhau giữa các vùng của protein Spike, vũ khí chính mà virus tấn công các tế bào phổi của con người.

Italy cũng sẽ gia hạn lệnh phong tỏa ít nhất đến ngày 12/4 tới nhằm giúp kiềm chế sự lây nhiễm của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) vốn đã tước đi mạng sống của 11.591 người Italy.

Liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy, Thứ trưởng Bộ Y tế Pierpaolo Sileri cùng ngày cho biết tốc độ lây lan đang chậm lại và dịch COVID-19 tại nước này có thể đạt đỉnh trong 7 – 10 ngày tới. 

Ông Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu của WHO về y tế khẩn cấp ngày 30/3 cho biết, các biện pháp phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt tại Italy trong 2 tuần qua sẽ khiến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia này sớm ổn định, nhưng vẫn yêu cầu phải duy trì cảnh giác. 

Ông Mike Ryan nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng rằng Italy và Tây Ban Nha sẽ sớm ổn định, nhưng virus tự nó sẽ không giảm đi, mà nó cần được kiềm chế bằng các nỗ lực y tế công cộng”. Đề cập đến Italy, ông Ryan nói: “Chúng ta nên bắt đầu thấy sự ổn định. Số ca chúng ta thấy trong hôm nay đã thực sự chứng tỏ nỗ lực trong 2 tuần vừa qua”

3. TÂY BAN NHA

Tây Ban Nha đã công bố thêm 913 ca tử vong do dịch COVID-19 trong 24h qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại nước này lên 7.716 ca, cao thứ hai thế giới sau Italy.

Trong khi đó, tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 cũng đã tăng lên 87.956 trường hợp, vượt qua cả Trung Quốc nơi khởi phát dịch bệnh với 81.470 trường hợp.

Trong số các ca nhiễm mới có người đứng đầu Trung tâm y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha, ông Fernando Simon. Ông Simon là người lãnh đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 và thường xuyên liên lạc với Thủ tướng Pedro Sanchez. 

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca tử vong mới được ghi nhận trong 24h qua tại Tây Ban Nha giảm kể từ ngày 26/3 vừa qua. Trước đó một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận 821 ca tử vong mới, mức cao kỷ lục trong một ngày.

Giới chức Tây Ban Nha đánh giá tốc độ lây lan có xu hướng chậm lại xét cả về số ca tử vong lẫn số ca nhiễm, đồng thời bày tỏ hy vọng nước này đang tiến gần tới đỉnh dịch. 

Theo chuyên gia y tế Maria Jose Siera, tỷ lệ nhiễm mới hiện vào khoảng 12%/ngày, so với khoảng 20% được ghi nhận trước ngày 25/3 vừa qua. 

4. TRUNG QUỐC

Số liệu từ worldometer cho thấy, đến 6 giờ sáng ngày 31/3 (giờ Việt Nam), Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 81.470 ca mắc COVID-19 và 3.304 ca tử vong. 

Trung Quốc tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong giảm trong ngày 30/3. Với 31 ca nhiễm mới, trong đó 30 ca nhập cảnh và chỉ có 1 ca lây nhiễm trong nước là ở tỉnh Cam Túc. 4 ca tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc.

5. ĐỨC

Theo số liệu của worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 31/3, Đức ghi nhận 66.718 ca nhiễm và 645 ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, Đức có thêm 4.283 ca mắc COVID-19 và 104 ca tử vong.

Theo đó, bang Bayern hiện là bang có số người nhiễm cao nhất với hơn 14.000 trường hợp và 158 ca tử vong. Trong khi đó, thủ đô Berlin ghi nhận 2.581 trường hợp nhiễm bệnh với 13 ca tử vong.

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, tình hình lây lan của SARS-CoV-2 ở nước này vẫn còn quá nhanh, do đó không có lý do gì quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc.

Phát biểu trước báo giới, ông Seibert cho hay, Chính phủ vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và hiện cứ sau khoảng 5 ngày thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Đức lại tăng lên gấp đôi. Do đó, chỉ có thể nới lỏng các hạn chế tiếp xúc khi tốc độ lây nhiễm chậm lại. Để có thể hạn chế tối đa các ca nhiễm bệnh mới, Chính phủ Đức cần tiếp tục kéo dài các biện pháp kiểm soát và hạn chế tiếp xúc đến ít nhất là ngày 20/4. 

Trước đó hôm 23/3, sau cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một loạt biện pháp cứng rắn, được thống nhất áp dụng trên toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Trong đó có việc cấm tụ tập từ 2 người trở lên, ngoại trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ mang về... 

Các lực lượng trật tự và cảnh sát sẽ giám sát và phạt nặng những trường hợp vi phạm những quy định này và sẽ được áp dụng trên cả nước trước mắt trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 23/3.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Angela Merkel cùng ngày tiếp tục có kết quả xét nghiệm lần thứ 3 âm tính với SARS-CoV-2. Hiện sức khỏe của bà Merkel vẫn ổn định và trong thời gian cách li ở nhà, bà vẫn điều hành Chính phủ thông qua liên hệ chặt chẽ với các thành viên trong nội các. 

Dự kiến vào ngày 1/4, Thủ tướng Merkel sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang để thảo luận và đánh giá về tình hình hiện nay ở Đức. Ngoài ra, bà Merkel cũng sẽ được tiến hành thêm một số xét nghiệm mới trong những ngày tới.

6. PHÁP

Theo số liệu của worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 31/3 (giờ Việt Nam), Pháp đã ghi nhận 44.550 ca mắc COVID-19, tăng 4.376 ca so với ngày hôm qua.

Pháp ngày 30/3 đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng 24h kể từ khi bắt đầu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, với 418 trường hợp tử vong trong bệnh viện, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên thành 3.024 người.

Theo cập nhật hàng ngày của chính phủ, tính đến nay, đã có 20.946 người ở Pháp nhập viện do mắc COVID-19, trong đó có 5.056 ca đang được chăm sóc tích cực.

Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão

7. IRAN

Theo số liệu của worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 31/3 (giờ Việt Nam), Iran ghi nhận có 41.495 ca mắc COVID-19, tăng 3.186 ca và 2.757 ca tử vong, tăng 117 ca so với 24 giờ trước. Hiện Iran đứng thứ sáu trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới.

Ngày 30/3, Bộ Quốc phòng Iran đã triển khai sản xuất hàng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để giúp lực lượng vũ trang ngăn chặn và phòng ngừa dịch COVID-19 cũng như các mối đe dọa sinh học tương tự.

Ông Azizi Delshad nhấn mạnh bộ xét nghiệm này có tính cạnh tranh ngang với các dụng cụ xét nghiệm nước ngoài và có thể chẩn đoán các trường hợp mắc bệnh với độ chính xác cao chỉ trong vòng 3 giờ.

Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19. Cho đến nay, đã có khoảng 12.400 bệnh nhân phục hồi và được xuất viện tại Iran.

8. ANH

Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sang ngày 30/3 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 22.141 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong là 1.408 ca. Như vậy trong 24 giờ qua, Anh đã có thêm 2.619 ca mới mắc COVID-19 và 180 ca tử vong. 

Anh cũng sẽ chi 75 triệu bảng Anh để thực hiện các chuyến bay hồi hương công dân đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Theo đó, Chính phủ sẽ thuê bao trọn gói nhiều chuyến bay đến đón công dân Anh ở những nơi mà các chuyến bay thương mại hiện giờ không khai thác nữa. 

Những chuyến bay hồi hương sẽ được thực hiện trong tuần này, ưu tiên những người cao tuổi và những người đang cần chăm sóc y tế và ưu tiên đến các nước có nhiều công dân Anh đang bị mắc kẹt.

9. THỤY SỸ

Con số thống kê của worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 31/3 thoe giờ Việt Nam, Thuỵ Sỹ ghi nhận 15.922 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong là 359 ca. 

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, một số bệnh viện Thụy Sĩ đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm máu để đánh giá số người đã bị nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm cả những người đã xây dựng được khả năng miễn dịch.

Dự kiến, bệnh viện Đại học Lausanne ở bang Vaud sẽ thực hiện từ 1.000 đến 2.000 xét nghiệm mỗi ngày và tiến hành trong khoảng 10 ngày. Các đối tượng được nhắm tới đầu tiên trong dự án này là các nhân viên bệnh viện và bệnh nhân, cũng như một số người dân.

Ông Gilbert Greub thuộc Khoa Vi sinh bệnh viện Đại học Lausanne cho rằng việc xét nghiệm như vậy sẽ phác thảo nên bức tranh rộng lớn hơn về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, do Thụy Sĩ hiện mới chỉ tập trung xét nghiệm cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao chứ không tiến hành xét nghiệm đối với những người có biểu hiện triệu chứng nhẹ.

Theo ông Greub, việc phân tích một mẫu máu có thể tiết lộ các kháng thể đặc hiệu với virus SARS-CoV-2. Tập hợp mẫu máu của 5.000 người đại diện cho dân số Thụy Sĩ sẽ đủ để đưa ra kết luận chính xác hơn. Việc nắm bắt rõ hơn về số lượng người đã xây dựng khả năng miễn dịch sẽ là điều cần thiết để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai hoặc thứ ba, một khi các biện pháp siết chặt được nới lỏng.

Hiện tại, Thụy Sĩ cấm mọi hoạt động tụ tập quá 5 người tại nơi công cộng, người dân phải giữ khoảng cách với nhau ít nhất 2 mét. Những người không tuân thủ quy định có thể bị phạt 100 CHF (gần 100 USD).

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19. Với 8,6 triệu dân, Thụy Sĩ có tỷ lệ dân số nhiễm bệnh cao nhất thế giới trong bảng thống kê số ca nhiễm trên 1 triệu dân.

10. BỈ: Tính đến 6 giờ sáng ngày 31/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Bỉ đã vượt ngưỡng 500 người, trong khi gần 12.000 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện kể từ khi bùng phát dịch bệnh.

Con số thống kê được trang worldometer.info đưa ra đến thời điểm này là 11.899 ca mắc COVID-19 và 513 ca tử vong.

TÌNH HÌNH TẠI MỘT SỐ NƯỚC và KHU VỰC KHÁC: 

HÀN QUỐC: Tính đến 6 giờ sáng 31/3 theo giờ Việt Nam, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 9.661 ca và số ca tử vong là 158 trường hợp.

NHẬT BẢN

Giới chức chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 30/3 cho rằng việc sụt giảm trong con số thống kê hằng ngày về số bệnh nhân mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không phải là lý do để lạc quan, đồng thời vẫn tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là tụ tập ở các quán bar, các hộp đêm và karaoke cho tới ngày 12/4.

Theo một quan chức cấp cao thuộc Sở Y tế Tokyo, việc Nhật Bản chỉ có thêm 13 ca mắc COVID-19 được thông báo trong ngày 30/3 chủ yếu là do hạn chế số bệnh nhân ngoại trú hôm 29/3. Con số này thấp hơn so với mức cao kỷ lục 68 ca mới được ghi nhận hôm 29/3.

Tính đến thời điểm này, Tokyo vẫn là tâm dịch lớn nhất của Nhật Bản với 443 người nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản đã bác bỏ những tin đồn về việc nước này chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 1/4 nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Tính đến trưa 30/3, số ca tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản đã lên tới 67, trong đó có 57 người lây nhiễm trong nước và 10 người là bệnh nhân trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu tại cảng Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản hiện là 2.608 người, trong đó có 1.896 ca trong nội địa và 712 ca trên du thuyền Diamond Princess. Nếu tính theo địa phương, Tokyo là địa phương có số bệnh nhân đông nhất - 430 trường hợp.

Chính quyền thành phố kêu gọi người dân không ra đường sau khi hết giờ làm và nghi ngờ nhiều người lây nhiễm là do ăn tối ở các hàng quán. Chỉ riêng trong hai ngày cuối tuần trước, thủ đô Tokyo đã có thêm hơn 130 trường hợp nhiễm mới.

Nhằm đẩy mạnh công tác ứng phó với dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và phần lớn các nước châu Âu, trong khi Bộ Ngoại giao dự định sẽ nâng cảnh báo đi lại đối với những quốc gia này lên cấp độ 3 (tránh tất cả hoạt động đi lại tới khu vực bị cảnh báo).

Bên cạnh đó, tất cả các công dân Nhật Bản và những người nước ngoài đến từ các khu vực khác sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày.

NGA: Theo worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 31/3 theo giờ Việt Nam, Nga đã có 1.836 ca mắc COVID-19 và 9 ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, Nga đã có thêm 302 ca mới mắc COVID-19 và 1 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, những ca mới mắc COVID-19 này chủ yếu tập trung ở thủ đô Moskva với 212 ca, tiếp đến là Cộng hòa Komi và thành phố St. Petersburg.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga Rospotrebnazor, bà Anna Popova lưu ý rằng hơn 1/4 số người bị lây nhiễm từ các thành viên trong gia đình, trong khi đi phương tiện hoặc tại nơi làm việc.

Số người bị nhiễm còn lại, theo quan chức này, là những người đã “mang nguồn lây nhiễm vào Nga”. Hiện Rospotrebnadzor đang kiểm soát khoảng 737.000 người tự cách ly. 

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Nga đã quyết định đóng cửa đường biên giới kể từ ngày 30/3; tất cả các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này sẽ đình chỉ hoạt động cho đến ngày 1/6; tất cả các quán cà phê và nhà hàng trên cả nước cũng phải đóng cửa trong một tuần, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4.

Một trong những tín hiệu tích cực khác là Nga thông báo phát triển 3 loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Theo Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Viện sĩ Vladimir Chekhonin, ở thời điểm hiện tại, có một loại thuốc đặc biệt ở dạng hít có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19. 

Viện sĩ Vladimir Chekhonin cũng đề cập đến một phác đồ điều trị “khá hiệu quả” tổng hợp thuốc kháng virus Favipiravir, được điều chế trước đây ở Nhật Bản, trong điều trị các bệnh viêm nhiễm do virus RNA, mà SARS-CoV-2 thuộc dạng này. Cả hai loại thuốc này đều sẵn sàng để thử nghiệm. Còn loại thuốc Fortepren, được bào chế trên cơ sở thuốc Phosprenyl, nhằm điều trị viêm nhiễm do virus corona ở động vật. Thuốc Phosprenyl đã được thử nghiệm cả ở người. Hiện Phosprenyl đang ở giai đoạn đăng ký, sau đó nó có thể được đưa ra thử nghiệm trên diện rộng.

TRUNG ĐÔNG: 

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ tham gia cách ly để theo dõi y tế, sau khi cố vấn của ông - bà Rivka Paluch có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bà Rivka Paluch là cố vấn của Thủ tướng Netanyahu trong Quốc hội. Bà Paluch được xác định nhiễm SARS-CoV-2 chỉ vài giờ sau khi chồng bà phải nhập viện do nhiễm loại virus nguy hiểm này.

Hiện số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Israel tiếp tục tăng mạnh, lên tới 4.347 người. Trong số này, 95 người ở tình trạng nguy kịch (63 người phải sử dụng máy thở) và 4.037 trường hợp ở thể nhẹ. Đến nay Israel đã có 15 người tử vong do COVID-19 và 135 người bình phục.

CÁC NƯỚC ASEAN:

Tại Indonesia, ngày 30/3, Tổng thống Joko Widodo thông báo chính phủ sẽ công bố các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương trong nước và áp dụng chính sách dãn cách xã hội nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Widodo, việc Indonesia áp dụng các quy định về dãn cách xã hội đánh dấu "giai đoạn mới của cuộc chiến chống COVID-19". 

Báo cáo mới nhất công bố chiều 30/3 cho thấy quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận thêm 129 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 1.414 ca. Cũng trong ngày này, Indonesia ghi nhận thêm 8 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 122 ca.

Trong khi đó, Lào và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn cho biết chiều 30/3, Bộ Y tế Lào thông báo nước này đã có thêm 1 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại Lào lên 9 trường hợp, trong đó có 6 ca ở thủ đô Viêng Chăn. 

Bệnh nhân COVID-19 mới nhiễm là nữ công dân Lào, 22 tuổi, sống tại thủ đô Viêng Chăn và được xác nhận đã từng đi Thái Lan. Nữ bệnh nhân này hiện có các triệu chứng nhẹ, có ho, sốt nhưng vẫn tự sinh hoạt được.

Theo Bộ Y tế Lào, tính tới ngày 29/3, nước này đã xét nghiệm tổng 364 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 và phát hiện 9 trường hợp dương tính, trong đó có 3 ca ở tỉnh Luang Prabang và 6 ca ở thủ đô Viêng Chăn.

Chiều 30/3, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 7 ca tử vong và 128 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 1.546 ca, bao gồm 78 ca tử vong. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng khi có thêm nhiều trường hợp được xét nghiệm sau khi nước này tiếp nhận hàng nghìn bộ kit xét nghiệm./.

CHÂU ÂU: Theo số liệu thống kê cập nhật của hãng tin AFP (Pháp) đến 19h30 phút (giờ Việt Nam) ngày 30/3, dịch bệnh COVID-19 đã khiến hơn 25.000 người tại châu Âu tử vong.

Trong tổng số 399.381 ca mắc COVID-19 chính thức được công bố, có 25.037 ca tử vong. Và châu Âu hiện là khu vực có số ca tử vong do mắc COVID-19 cao nhất trên toàn thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 30/3 đã yêu cầu người dân ở nước này phải đeo khẩu khi vào mua hàng, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Kurz nhấn mạnh Áo cần phải làm chậm hơn nữa tốc độ lây lan của virus, trong đó cần phải thực hiện thêm 3 biện pháp bổ sung gồm bảo vệ tốt hơn nhóm rủi ro, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp hạn chế đã công bố và phải đeo khẩu trang. 

Ông cũng cho rằng khẩu trang không thể bảo vệ mọi người hoàn toàn trước virus, song sẽ giúp hạn chế tốc độ lây lan. Ông Kurz cũng nêu rõ khẩu trang không phải biện pháp thay thế cho việc giữ khoảng cách mà chỉ là biện pháp bổ sung, đồng thời đây cũng không phải là văn hóa Áo mà là sự điều chỉnh cần thiết để giảm sự lây lan. Theo ông, mọi người đi mua sắm sẽ phải đeo khẩu trang và về lâu dài cũng nên đeo khẩu trang ở mọi nơi khi tiếp xúc với nhau, không chỉ trong các siêu thị.

Áo là một trong số nước châu Âu có nhiều biện pháp cứng rắn nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện số người mắc COVID-19 ở Áo đã lên tới 9.200 người và 108 ca tử vong.

Liên quan đến dịch COVID-19 tại châu Âu, ngày 30/3, Bulgaria thông báo sẽ chi 566 triệu USD để hỗ trợ trải 60% lương của người lao động tại các công ty đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thủ tướng Boyko Borissov cho biết chính phủ đã thông qua kế hoạch trên và sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 30/3 về điều chỉnh ngân sách 2020 của Bulgaria lên mức cao hơn. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ đề nghị Liên minh châu Âu thông qua gói cứu trợ nhà nước

Trong hành động ý nghĩa thể hiện đoàn kết quốc tế, Liên hợp quốc đã kêu gọi gói hỗ trợ trị giá 2.500 tỷ USD để giúp các quốc gia đang phát triển (trừ Trung Quốc), chiếm tới 2/3 dân số thế giới, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có do tác động từ đại dịch COVID-19.

Tổng thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi nhận định: "Thiệt hại kinh tế từ cú sốc hiện tại đang diễn ra và ngày càng khó dự đoán, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển trước khi có thể trở nên tốt hơn". Theo báo cáo của UNCTAD, trong 2 tháng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lan rộng ra khỏi Trung Quốc, các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng rất lớn về dòng vốn, chênh lệch trái phiếu gia tăng, giảm giá tiền tệ và mất thu nhập xuất khẩu, kể cả từ việc giá hàng hóa và doanh thu du lịch giảm.

Những tác động của cuộc khủng hoảng này đối với các hoạt động kinh tế thậm chí còn nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và UNCTAD không lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng được chứng kiến ở nhiều nước đang phát triển như những năm 2009 và 2010./.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục