Khi hợp tác trở thành chất xúc tác để đối phó dịch COVID-19

05:30' - 31/03/2020
BNEWS Cơn ác mộng COVID-19 đang diễn ra trên khắp thế giới và Indonesia buộc phải điều chỉnh cuộc sống hàng ngày để đối mặt với thực tế mới này thông qua việc hạn chế tiếp xúc cũng như hạn chế đi lại.
Nhân viên khử trùng một trạm xe buýt tại Guatemala City, Guatemala ngày 13/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/TTXVN

Không một quốc gia nào, dù mạnh mẽ hay thịnh vượng đến đâu, miễn nhiễm được với COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc được xác nhận trên toàn thế giới đã vượt quá 720.000 người. Tuy nhiên, COVID-19 hầu như không phải là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu duy nhất trong thời gian gần đây.

Dịch COVID-19 gợi lên ký ức về các bệnh hô hấp khác cũng đã từng gây hoang mang toàn cầu, cụ thể là SARS và MERS. Tuy nhiên, trong khi cả SARS và MERS đều có tỷ lệ tử vong cao hơn, số lượng người nhiễm của cả hai dịch bệnh này đều không bằng COVID-19.

COVID-19 đã tác động đến kinh tế thế giới theo cách chưa từng có, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự di chuyển của người dân. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự đoán rằng sự bùng phát COVID-19 trong lâu dài có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh xuống mức chỉ còn 1,5% vào năm 2020. 

Trong điều kiện đó, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn COVID-19, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới hay áp đặt tự kiểm dịch bắt buộc. Mặc dù vậy, khi mỗi quốc gia tự bảo vệ mình khỏi đại dịch tạm thời, điều quan trọng là chúng ta không được đánh mất tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác quốc tế để đánh bại dịch COVID-19. 

Theo đó, cuộc chiến tập thể nhằm chống lại COVID-19 phải tập trung vào 4 lĩnh vực chính. Thứ nhất, tăng cường đoàn kết toàn cầu chống lại dịch COVID-19. Mặc dù mối đe dọa của COVID-19 là ngắn hạn, sự hợp tác và tình bạn được mở rộng vào những thời điểm khó khăn như thế này sẽ để lại ấn tượng lâu dài. Chúng ta chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo tất cả các quốc gia có sự hỗ trợ và năng lực cần thiết.

Thứ hai, một chiến lược ngăn chặn hiệu quả đòi hỏi các biện pháp phối hợp. Vẫn còn nhiều điều chưa biết về COVID-19. Các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu ở quy mô và sự phức tạp này đòi hỏi các phản ứng toàn cầu phối hợp nhiều hơn. Những điều này sẽ củng cố niềm tin giữa các quốc gia.

Trong đó, sự chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và sản xuất chung các thiết bị y tế cơ bản sẽ có thể góp sức để chống lại dịch COVID-19. Các quốc gia nên hợp tác để phát triển phương pháp chữa trị COVID-19, thay vì tìm cách sản xuất độc quyền một loại vắc-xin trong tương lai. 

Phun khử trùng một nhà ga ở Jakarta, Indonesia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ ba, chúng ta phải giải quyết các tác động kinh tế xã hội của COVID-19. Một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn những quốc gia khác trước những cú sốc bên ngoài, bao gồm cả tác động của COVID-19. Khi đó, các gói tài trợ ưu đãi và giảm nợ của nhiều nhà tài trợ lớn và các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cung cấp thời gian để các nước chống lại COVID-19 cũng như xử lý các chi phí liên quan.

Thế giới sẽ phải cùng tìm cách phục hồi thương mại quốc tế như một động lực cho tăng trưởng và việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa cần thiết để chống lại COVID-19 có thể là một khởi đầu.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhắc nhở dịch COVID-19 thực chất là một cuộc khủng hoảng của con người. Khi các doanh nghiệp đấu tranh để giữ nhân viên của họ trong biên chế, nhiều người đang mất việc và lợi ích sức khỏe đi kèm với họ.

Những người công nhân có lương thấp và những người làm việc trong các khu vực phi chính thức là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, những nỗ lực của nhằm chống lại COVID-19 phải bao gồm các biện pháp để làm giảm tình hình. 

Về vấn đề này, Hội nghị thượng đỉnh bất thường sắp tới của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), trong đó dự kiến sẽ thảo luận về các nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của con người và kinh tế gây ra bởi COVID-19, là rất kịp thời. 

Thứ tư, thế giới cần phải đầu tư vào các hệ thống y tế quốc gia với mức giá dịch vụ hợp lý. Dịch COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng của thời đại chúng ta. Chúng ta cần một hệ thống y tế quốc gia có thể chịu được mối đe dọa của đại dịch. Chúng ta phải sử dụng kinh nghiệm này để tăng cường chiến lược chuẩn bị khủng hoảng và khả năng hành động sớm chống lại đại dịch trong tương lai.

Hệ thống y tế quốc gia cũng phải có giá cả hợp lý. Mọi người phải có đủ khả năng để được xét nghiệm hoặc điều trị cho bất kỳ bệnh nào. Indonesia hiện đang chủ trì sáng kiến Chính sách đối ngoại và Sức khỏe toàn cầu (FPGH), được đưa ra năm 2007 để tích hợp các vấn đề y tế với thảo luận chính sách đối ngoại để ra quyết định. 

Kinh nghiệm của Indonesia trong đối phó với dịch COVID-19 cho thấy, vấn đề chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng không chỉ liên quan đến Indonesia mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Chính phủ Indonesia đang tiếp tục hành động để chiến đấu với dịch COVID-19. Các biện pháp đã thực hiện bao gồm thành lập một đội đặc nhiệm để ngăn chặn COVID-19, phân bổ ngân sách đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia và cải thiện năng lực của các bệnh viện để tiến hành xét nghiệm COVID-19. Bây giờ là thời điểm để đoàn kết, tăng cường đoàn kết toàn cầu và thúc đẩy phối hợp hành động chống lại đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục