Dịch COVID-19: Vinatex đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn

08:56' - 01/08/2020
BNEWS Hiện nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn gần như đã trở lại bình thường, các đơn hàng truyền thống dệt may đã được đưa vào sản xuất.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác trên cả nước, việc phòng chính dịch là cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với ngành có nhiều lao động như ngành dệt may.

Để tìm hiểu về những tác động của dịch đến ngành dệt may cũng như tỉnh hình sản xuất, cung ứng khẩu trang của các doanh nghiệp dệt may cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết hiện tại Vinatex đã áp dụng những biện pháp gì ứng phó với những tác động của dịch COVID-19?

Ông Cao Hữu Hiếu: Hiện nay, do tình hình dịch COVID-19 đang “nóng” , Tập đoàn đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tái khởi động lại các biện pháp phòng dịch. Ngay từ những ngày đầu tháng 3 xuất hiện dịch, Tập đoàn thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Tổng Giám đốc làm Trưởng ban và các thành viên trong Cơ quan Điều hành đều nằm trong Ban chỉ đạo, Bệnh viện Dệt May là thành viên thường trực.
Tất cả các phòng ban, cơ quan, các đầu mối đều được trang bị nước sát khuẩn, đảm bảo các công việc không thực sự cần thiết giãn cách và tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Các lãnh đạo Ban chức năng đảm bảo duy trì việc làm việc trực tuyến cho các chuyên viên của Ban mình phụ trách. Trong thời gian thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về giãn cách xã hội, Văn phòng cũng thực hiện làm việc luân phiên và làm việc online để công việc vẫn xuyên suốt.
Đối với khối sản xuất, do đặc thù nhiều lao động nên nếu có người mắc COVID-19 thì hậu quả rất lớn, nên chúng tôi đã tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến toàn thể cán bộ công nhân để họ hiểu và nắm rõ được các quy định về phòng chống dịch.

Tất cả các nhà xưởng đều được sát khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, trước khi công nhân vào xưởng đều được rửa tay, đeo khẩu trang. Vì vậy, không có nhà máy nào trong Tập đoàn phải đóng cửa vì có người nhiễm dịch COVID-19.
Lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may đều ý thức, mỗi cán bộ công nhân viên đều là tài sản của doanh nghiệp, cần được bảo vệ, vừa đảm bảo công ăn việc làm, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội.

Thời gian qua, dù doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do các áp lực về đơn hàng, về tài chính, về áp lực duy trì công ăn việc làm cho lao động nhưng với các đơn vị dệt may thuộc Tập đoàn không có trường hợp nào phát sinh nguồn lây nhiễm để cả xưởng sản xuất phải đóng cửa.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc tái khởi động lại các biện pháp phòng dịch của Tập đoàn khi dịch COVID-19 bùng phát lại?
Ông Cao Hữu Hiếu: Thực tế ngay sau khi dịch COVID-19 đã được khống chế, chúng tôi vẫn duy trì công tác phòng, chống dịch.

Do đó, ngay sau khi có ca nhiễm lại đầu tiên trong cộng đồng, chúng tôi đã kích hoạt và tái khởi động ngay các hoạt động phòng chống dịch như lúc cao điểm trước đây.

Tất cả cán bộ công nhân viên đều phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cơ quan, khử trùng, vệ sinh nhà xưởng được thực hiện nghiêm túc. Lãnh đạo Tập đoàn và các doanh nghiệp xác định, đây là cuộc chiến lâu dài và không được lơ là.

Việc tuyên truyền cho người lao động trong toàn Tập đoàn là hết sức quan trọng, không được chủ quan vì chúng ta không biết lúc nào dịch sẽ quay trở lại.
Phóng viên: Vậy, tốc độ sản xuất cũng như đơn hàng của các đơn vị trong Tập đoàn hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Cao Hữu Hiếu: Hiện nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn gần như đã trở lại bình thường, các đơn hàng truyền thống dệt may đã được đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại thì hoạt động ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng qua đợt dịch trước thì các đơn vị đã có kinh nghiệm để xử lý.

Trong những tháng đầu năm, số lượng đơn hàng đã bị ảnh hưởng, bây giờ là thời gian các đơn vị đang cố gắng “ tăng tốc” để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Về biện pháp, các đơn vị vừa phải đảm bảo sản xuất vừa phòng chống dịch để không bị gián đoạn. Bởi, ngành dệt may không giống các ngành khác, khi đơn hàng đã ký rồi là phải trả đúng hạn. Những trường hợp bất khả kháng, hai bên sẽ cùng nhau thương thảo thời gian giao hàng.

Hiện này, các đơn hàng về khẩu trang có dấu hiệu tăng lên, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại chủ yếu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, trong khi đó nhu cầu lớn nhất lại là khẩu trang y tế.

Với khẩu trang vải kháng khuẩn, Tập đoàn cam kết với Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sẽ cung cấp đủ theo yêu cầu cho thị trường.

Tập đòan chỉ đạo các doanh nghiệp sẵn sàng sản xuất khẩu trang khi thị trường có yêu cầu. Qua đợt dịch vừa qua, các đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc sắp xếp chuyển đổi từ sản xuất quần áo qua làm khẩu trang, do đó chúng tôi không gặp khó khăn gì.

Phóng viên: Trong thời gian tới, Tập đoàn có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn sản xuất và chống dịch?
Ông Cao Hữu Hiếu: Ngoài sản xuất dệt may bình thường, chúng tôi còn có nhiệm vụ lớn là sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế để phòng chống dịch, phục vụ cả trong nước và xuất khẩu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phòng chống dịch hơn nữa đến các đơn vị thành viên của Tập đoàn để mọi người không được chủ quan, tất cả các khuyến cáo của Bộ Y tế đều được thực hiện nghiêm túc và hàng tuần đều phải gửi báo cáo về Ban chỉ đạo của Tập đoàn.

Ngoài ra, tại các điểm nóng còn có sự quan tâm đặc biệt hơn, thông qua các Trạm Y tế tại các đơn vị sẽ có báo cáo thường xuyên, cập nhật hàng ngày về Bệnh viện Dệt May và có báo cáo cập nhật để chỉ đạo kịp thời về các trường hợp phải xử lý.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục