Dịch sởi bùng phát ở Canada

08:43' - 21/02/2019
BNEWS Cơ quan Y tế Vancouver cho biết đã có 8 ca mắc sởi tại hai trường học hệ Pháp ngữ là Jules-Verne và Rose-des-Vents ở thành phố này của Canada.

Khoảng 33 người, gồm sinh viên và một số nhân viên tại hai trường trên, được yêu cầu ở tại nhà vì chưa có chứng nhận tiêm chủng.

Các cá nhân trên sẽ được phép quay trở lại trường học nếu tới ngày 7/3/2019 tại hai trường này không có thêm ca mắc sởi mới.

Ngày 20/2, phóng viên TTXVN tại Canada cho biết tỉnh British Columbia đang có dịch sởi, với 9 ca mắc từ đầu năm tới nay. Những ca mắc sởi mới là những trường hợp đã đi du lịch ra ngoài Canada.

Cơ quan Y tế công Canada đang làm việc với các nhà khoa học để tìm hiểu nhân tố nào dẫn đến quan điểm không tiêm vaccine và sức ép đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội khi phải đối mặt với những nghi ngại về độ an toàn của vaccine.

Cơ quan này sẽ xây dựng một chiến dịch truyền thông xã hội mới để thông tin cho mọi người về tầm quan trọng của tiêm chủng và những báo cáo chứng minh độ an toàn của vaccine.

Theo giới chức y tế sở tại, thông tin sai lệch và tâm lý ngờ vực đối với vaccine có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi lây lan nhanh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc từ chối tiêm chủng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trên quy mô toàn cầu trong năm 2019.

Theo cơ quan này, trước khi vaccine sởi được sử dụng năm 1963, virus này đã cướp đi sinh mạng của 2,6 triệu người mỗi năm. Canada đã thanh toán được bệnh sởi từ năm 1998.

Từ đầu năm nay, dịch sởi đang hoành tại một số nước trên thế giới như Philippines, Ukraine, Madagascar,, CHDC Congo, Chad và Sierra Leone.

Theo Bộ Y tế Philippines (DOH), ngày càng nhiều trẻ em tại quốc gia này mắc sởi trong khi dịch vẫn chưa được kiểm soát.

Tính tới ngày 19/2, số ca mắc sởi tại quốc gia Đông Nam Á này là 8.443 ca và 136 ca tử vong kể từ khi giới chức Philippines chính thức xác nhận bùng phát dịch sởi ngày 6/2 vừa qua.

Như vậy, số ca mắc sởi đã tăng 253% trong khi số ca tử vong cũng tăng 491% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo Bộ Y tế Philippines, hầu hết các ca mắc sởi là trẻ em dưới 4 tuổi.

Trong khi đó, tại Ukraine đã ghi nhận khoảng 20.000 ca nhiễm sởi. Chỉ tính riêng tại Madagascar, từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, tổng cộng đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong.

WHO đã bày tỏ lo ngại cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi đang bị thụt lùi trong bối cảnh số ca mắc phải căn bệnh này trên thế giới đã tăng gần 50% trong năm 2018.

Theo các chuyên gia WHO, có nhiều đợt bùng phát dịch sởi kéo dài, diễn ra trên quy mô lớn và có nguy cơ lây lan nhanh, song chỉ chưa tới 10% số ca mắc sởi hiện nay được ghi nhận.

Tuy nhiên, với tỷ lệ các ca mắc sởi tăng 50%, thì rõ ràng nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này đang bị chệch hướng và số ca mắc bệnh trên thực tế phải lên tới hàng triệu người.

Các quốc gia trên thế giới có thời hạn đến tháng 4 này để thông báo về số trường hợp mắc sở trong năm 2018.

Tuy nhiên, theo bà O'Brien, thống kê về số người mắc bệnh sởi trong năm 2018 mà WHO nhận được cho tới nay chỉ dừng ở mức 230.000 người. WHO ước tính bệnh sởi là nguyên nhân khiến 136.000 người tử vong trong năm ngoái.

Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.

Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục