Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người?

09:48' - 22/02/2019
BNEWS Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100%, gây thiệt hại thương mại và thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu.
Các chủ trang trại tăng cường phun khử trùng tiêu độc để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) khẳng định không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

FAO Việt Nam khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn chết.

Do dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Dấu hiệu nhận biết của bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là: lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Đối với một số bệnh khác thì chỉ xảy ra trên một số loại lợn, nhưng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vắc xin điều trị.

Do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, không lây lan sang người nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...

Thời gian vừa qua, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đã phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc một số xã. Đến thời điểm này, các ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình đã được kiểm soát và đã qua 20 ngày không phát sinh.

Năm 1921, bệnh tả lợn lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến năm 2007, loại bệnh này xuất hiện ở các nước châu Mỹ. Đến nay, bệnh tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Từ cuối năm 2017 đến nay có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

>>> Đã giải trình được gen vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục