Điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân tại Hà Nội

19:19' - 04/08/2021
BNEWS Để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các điểm bán hàng lưu động.

Thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng khiến cho nhiều chợ truyền thống, siêu thị, nhất là một số chợ đầu mối bị phong tỏa tạm thời dừng hoạt động. Để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các điểm bán hàng lưu động.

Cụ thể, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam triển khai các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các phường tại quận Long Biên với sự hỗ trợ của UBND quận Long Biên nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương.

Các xe bán hàng lưu động được duy trì bán tại 4 điểm gồm: Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; sân bóng đảo Sen, 125 Nguyễn Sơn; sân chơi số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh.

Siêu thị AEON Long Biên cam kết, giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị và sẽ được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán để người dân có thể dễ dàng tham khảo và an tâm mua sắm.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhân viên bán hàng và khách hàng đều được yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế với sự hỗ trợ và điều phối của UBND các phường.

Theo ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên, siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo về nguồn hàng và hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân quận Long Biên cũng như tại Hà Nội.

AEON Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng thành phố trong việc mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.

Bác Đỗ Thị Nga, trú tại  phố Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, do có nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nên bác rất ngại đi chợ, đi siêu thị nhưng vẫn phải đi mua thức ăn cho gia đình.

Nay thấy, UBND quận phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động như thế này rất thuận tiện cho người dân và hạn chế được việc đi lại đến chỗ đông người đảm bảo trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, khi có các quầy hàng lưu động rất phong phú về hàng hóa và giá cả ổn định nên bác rất yên tâm.

Đồng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Oanh, ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên cho biết, các quầy hàng lưu động hàng hóa rất dồi dào, phong phú, giá cả ổn định nên rất dễ lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, các quầy hàng lưu động cũng rất đảm bảo trong phòng chống dịch COVD-19 nên người dân đi chợ cũng rất hài lòng.

Thực hiện giãn cách và đảm bảo hàng hóa cho người dân trong khu cách ly y tế, ngày hôm nay (4/8), quận Ba Đình cũng có kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn. Theo đó, 41 điểm bán hàng lưu động sẽ được triển khai tại 14 phường để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời và an toàn.

Những điểm này đã được UBND phường rà soát và Phòng Quản lý đô thị xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, quận sẽ rà soát, bổ sung địa điểm là sân của khu tập thể, chung cư cao tầng, sân các trường học, bãi đất trống có diện tích trên 100m2 trên địa bàn quận.

Các điểm bán hàng lưu động cũng phải đảm bảo đủ diện tích để thực hiện quy định 5K khu người dân vào mua hàng, thuận tiện cho xe ô tô tải loại 1,5 tấn trở lên ra vào và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Các đơn vị đã ký cam kết với UBND quận gồm: Hệ thống BRG; hệ thống Vinmart; Lotte Mart; Công ty Hương Việt Sinh; Công ty thực phẩm UNIFOOD.

Ông Cồ Như Dũng, Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, hàng hóa bán tại các điểm bán hàng lưu động gồm lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, có xuất xứ hợp lệ.

Hàng thực phẩm bao gói sẵn phải có nhãn mác, hạn sử dụng đúng quy định. Hàng thực phẩm tươi sống phải đảm bảo điều kiện bảo quản, tuyệt đối không để hàng giả, hàng nhái, quá hạn sử dụng, kém chất lượng tại các điểm bán hàng lưu động.

Trước đó, UBND quận Ba Đình đã xây dựng phương án 919/PA-UBND ngày 13/5/2021 để đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch COVID-19 năm 2021 trên địa bàn quận.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động, để đảm bảo được nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân trên địa bàn (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường), đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7....); một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.

Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho thành phố.

Hiện nay các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán: hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu.

Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng Phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch COVID-19; trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 01 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên; rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất… Đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.

Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 8216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương thành phố Hà Nội niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Hiện, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ổ dịch, ca mắc mới trong cộng đồng tăng lên từng ngày. Để đảm bảo việc chống dịch, các hoạt động kinh doanh, vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ.

Các chủ cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện phòng dịch sẽ không được hoạt động. Thêm vào đó, chợ cóc, chợ tạm được giải tỏa triệt để dẫn đến việc cung ứng nhu yếu phẩm cho nhân dân cần kênh thêm kênh phối mới để đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, qua rà soát phương án để phù hợp với tình hình thực tế, cho thấy phân phối nhu yếu phẩm qua kênh thương mại điện tử và giao hàng tại nhà thời điểm áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội đang hạn chế do chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông trên đường; trong đó có hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Bởi vậy việc triển khai các điểm bán hàng lưu động là cần thiết tại thời điểm này để đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục