Điểm lại các sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua

10:49' - 04/08/2024
BNEWS Chính sách lãi suất của một số ngân hàng trung ương thế giới, Eurozone công bố GDP ảm đạm, chứng khoán Nhật Bản lao dốc, TikTok tiếp tục gặp rắc rối ở Mỹ... là một số sự kiện nổi bật tuần qua.
1. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50% lần thứ 8 liên tiếp giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Fed phát tín hiệu sẽ chuyển từ việc chỉ tập trung vào mục tiêu ổn định lạm phát sang duy trì việc làm phù hợp và giá cả ổn định.

2. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm xuống 5% từ mức 5,25%, mức lãi suất cao kỷ lục của 16 năm. Quyết định hạ lãi suất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Anh giảm xuống mức mục tiêu 2% trong tháng 5/2024 và tiếp tục duy trì ở mức này trong tháng 6/2024.

 
3. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% - mức cao nhất của 15 năm. Quyết định này khiến giới phân tích bất ngờ bởi trước đó họ dự đoán BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu.

4. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, dẫn đầu đà giảm khắp châu Á trong phiên 2/8, do đồng yen mạnh hơn và kỳ vọng về khả năng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo đóng cửa giảm 2.216,63 điểm, xuống 35.909,70 điểm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát bốn năm trước. Chỉ số giá chứng khoán Tokyo, thường được gọi là TOPIX, cũng giảm 6,14%, ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất trong 8 năm.

5. Kinh tế châu Âu tiếp tục ảm đạm, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ tăng trưởng 0,3% trong quý II/2024. Kết quả này tương đương với mức của quý I/2024 - quý đánh dấu lần tăng trưởng đầu tiên sau hơn một năm đình trệ. Nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức vẫn trong tình trạng trì trệ với dự báo suy giảm tối thiểu 0,1% trong quý II/2024.

6. Vương quốc Anh rời Top 10 nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Số liệu chính thức của tổ chức đại diện các nhà sản xuất Vương quốc Anh Make UK cho thấy, với sản lượng tương đương 259 tỷ USD/năm, nước này đã tụt xuống vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất lớn nhất thế giới, xếp sau Nga và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên Anh không đứng trong Top 10 các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

7. G20 nhất trí đánh thuế giới siêu giàu. Các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí hợp tác để buộc giới siêu giàu phải nộp thuế, dù vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể hơn.

8. TikTok tiếp tục gặp rắc rối ở Mỹ. Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện dân sự chung đối TikTok, cáo buộc ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc công ty ByteDance (Trung Quốc) thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh, vi phạm nghiêm trọng Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trẻ em trực tuyến (COPPA). TikTok cũng bị buộc tội đã không tuân thủ các yêu cầu của phụ huynh khi muốn xóa bỏ tài khoản và dữ liệu của con em mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục