Điểm sáng Vicem và những kỷ lục ấn tượng

09:08' - 11/02/2019
BNEWS Những kỷ lục mà Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đạt được trong năm 2018 là động lực để doanh nghiệp lấy đà thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm 2019.
Ký cam kết giữa VICEM với 10 đơn vị sản xuất xi măng trong Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống ngành xi măng và tổng kết nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019. Ảnh: Lưu Thanh Tuấn - TTXVN

Năm 2018 ghi nhận nhiều thành công lớn của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) khi liên tục tạo lập hàng loạt kỷ lục mới; đồng thời tiếp tục duy trì mức nắm giữ 35% thị phần xi măng trên thị trường trong nước. 

Đây cũng chính là động lực để Vicem lấy đà thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm 2019. 

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận xét, sau bao nhiêu năm khó khăn, sản xuất xi măng lần đầu tiên trở thành điểm sáng.

Điều này rất đáng được ghi nhận bởi sự bứt phá với hàng loạt chỉ tiêu vượt xa kế hoạch.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên hệ thống Vicem đạt kỷ lục tiêu thụ 29,2 triệu tấn sản phẩm với nhiều nhà máy chạy vượt công suất.

Trong bối cảnh thị trường xi măng vẫn trong tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh khốc liệt, Vicem đã nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ.

Sản lượng gia tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay khi đạt con số tăng thêm 1,5 triệu tấn so với công suất thiết kế. 

Để đạt kết quả này, Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh chia sẻ, tất cả các đơn vị thành viên trong hệ thống Vicem đã nỗ lực tối đa. Trước đây, có những lò chạy clinker chưa bao giờ đạt công suất thì nay đều đạt và vượt. Các đơn vị thành viên còn nghĩ rằng, mốc lịch sử này khó lặp lại.

Nếu làm bài toán về suất đầu tư thì mới thấy rõ hiệu quả kinh tế lớn từ việc gia tăng sản lượng thêm 1,5 triệu tấn xi măng của năm 2018.

Bởi trung bình suất đầu tư để sản xuất ra 1 tấn xi măng theo dây chuyền công nghệ tiêu chuẩn G7 thì chi phí khoảng 100 triệu USD. Như vậy, với con số 1,5 triệu tấn sản lượng vượt công suất thiết kế đã giúp Vicem tiết kiệm 150 triệu USD chi phí đầu tư.  

Thêm một kỷ lục được Vicem xác lập là lần đầu tiên có lượng tồn kho thấp nhất, ở mức 10 ngày với số lượng dưới 900 nghìn tấn - điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra.  

Năm 2018, Vicem đã có nhiều đổi mới tích cực, sáng tạo trong điều hành sản xuất kinh doanh, đưa lợi nhuận trước thuế vượt 6% so với kế hoạch đề ra và tăng 11% so với năm 2017.

Toàn hệ thống Vicem đã tuân thủ và thực hiện nghiêm kỷ cương về công nợ nội bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Thanh tra Bộ Tài chính; cân đối dòng tiền hỗ trợ các đơn vị khó khăn, giảm tồn kho để tăng dòng tiền thu về và giảm chi phí lãi vay vốn lưu động. Tổng công ty đã điều phối, hỗ trợ tài chính tới các công ty thành viên với số tiền 552 tỷ đồng. 

Theo Tổng Giám đốc Bùi Hồng Minh, kết quả đạt được của Vicem là nhờ ổn định của kinh tế vĩ mô, GDP tăng trưởng ở mức cao, lạm phát ở mức thấp, lãi suất và tỷ giá được Chính phủ điều hành một cách linh hoạt.

Đặc biệt, chủ trương của Chính phủ là kiến tạo, hành động, xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khích lệ, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp; trong đó có Vicem - ông Minh bày tỏ. 

Bên cạnh đó, Vicem cũng có một số thuận lợi như thị trường xi măng nội địa tiếp tục tăng trưởng khoảng 6%.

Cùng đó, thị trường xuất khẩu cũng tăng mạnh do Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy xi măng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Lần đầu tiên sản lượng xuất khẩu cán mốc 30 triệu tấn, bằng 30% tổng nguồn cung trong nước. 

Tuy nhiên, xuất khẩu cũng không phải là đích ngắm của Vicem bởi theo Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh, ngành xi măng sử dụng tài nguyên phục vụ đất nước nên không thể lấy xuất khẩu làm trọng tâm nhất là khi Việt Nam vẫn đang phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu xi măng trong nước còn lớn.

Bởi vậy, Vicem vẫn tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa và tối ưu hóa logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Dây chuyền vận chuyển tập kết xi mang tại nhà máy xi măng Tam Điệp (Ninh Bình). Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Theo đó, Vicem tập trung rà soát các dây chuyền hiện tại, giải quyết những nút thắt công nghệ để tăng năng suất thiết bị, vượt công suất thiết kế, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu chính, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải khí CO2...

Nhiều giải pháp được Vicem triển khai trong toàn hệ thống như cải thiện, nâng cao chất lượng clinker; giảm chi phí điện năng trong công đoạn nghiền xi măng...

Định mức tiêu hao năng lượng ở một số dây chuyền sản xuất đã giảm đáng kể. Nhiều đơn vị thành viên đã duy trì được lò nung hoạt động dài ngày trên 336 ngày. 

Cùng với việc tiếp tục tối ưu hóa các yếu tố đầu vào bằng hình thức giao khoán, giảm chi phí, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, Vicem còn thực hiện cân đối năng lực sản xuất và khai thác thị trường cốt lõi, các thương hiệu lớn để điều phối, phân bổ hợp lý lượng xi măng trong cả nước. 

Một thay đổi mang tính bước ngoặt của Vicem chính là thống nhất từng bước thay đổi bộ nhận diện nhằm nâng cao thương hiệu.

Ngoài ra, Vicem còn ứng dụng công nghệ kiểm soát hệ thống vận tải, nhà phân phối, chất lượng sản phẩm, tăng năng lực trong chuỗi bán hàng, kiểm soát xi măng đến từng địa bàn.

Thời gian tới, Vicem sẽ kiểm soát toàn bộ khâu tiêu thụ bằng công nghệ thông tin. 

Mục tiêu của Vicem trong năm 2019 là đưa tổng sản phẩm tiêu thụ tăng từ 6-8% và đặc biệt triển khai các giải pháp để tăng tiêu thụ xi măng ở mức 10% và tăng doanh thu từ 12-14%.

Vicem sẽ triển khai đề án tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị doanh nghiệp, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục