“Điểm tựa” của người dân vùng lũ Yên Bái: Hồi sinh sau lũ dữ

13:17' - 25/12/2024
BNEWS Sau bão Yagi và lũ dữ, tỉnh Yên Bái triển khai “thần tốc” các phương án, giải pháp để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, sớm phục hồi sản xuất nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề chưa từng có trong lịch sử ở Yên Bái. Ngay trong thời khắc khó khăn nhất, luôn có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Sau bão, Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái triển khai “thần tốc” các phương án, giải pháp để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, sớm phục hồi sản xuất nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước những tổn thất, mất mát to lớn của người dân khi bão Yagi đi qua, chính quyền các cấp đã có những chính sách kịp thời giúp đỡ người dân Yên Bái vượt qua nỗi đau để không ai bị bỏ lại phía sau. Những hạt mầm được nảy nở và hồi sinh trên đất lũ. Những ngôi nhà đổ sập đang được thay thế bằng ngôi nhà mới, khang trang với niềm hy vọng về một tương lai tươi mới.

Bão lũ đi qua, tình người ở lại

Bão Yagi gây thiệt hại nặng ở Yên Bái. Toàn tỉnh có 54 người chết, 42 người bị thương; hư hỏng hơn 27.300 ngôi nhà và hàng nghìn hộ dân không thể về nhà do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước trên 5.700 tỷ đồng.

Những ngày giữa tháng 12, tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (nơi xảy ra vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 9 người dân, làm 3 người bị thương, 6 nhà sập đổ và hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp), người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi và ám ảnh. Nỗi đau mất đi người thân vẫn chưa thể nguôi ngoai. Song với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội và những tấm lòng hảo tâm sẻ chia, hỗ trợ, thôn Át Thượng đang cố gắng vực dậy sau lũ dữ.

Anh Hoàng Văn Tiện (người đã cứu sống 3 bà cháu trong đêm kinh hoàng tại Át Thượng) nhớ lại, khoảng 2 giờ ngày 10/9, sau khi đất, đá từ trên đồi bất ngờ đổ ập với tiếng nổ vang trời, anh hoang mang vì không thấy những ngôi nhà hàng xóm. Sau đó, nghe tiếng kêu cứu, không do dự, anh lao ra cứu được một cháu bé đưa đến nơi an toàn. Tiếp đó, anh Tiện chạy đôn chạy đáo huy động mọi người, cứu thêm được 2 bà cháu đang bị vùi lấp.

Sau cú sốc về thể xác lẫn tinh thần, đến nay, bà Hoàng Thị Thắng, người được anh Tiện cứu, vẫn không thể nào quên khoảnh khắc sinh tử ấy. Bà Thắng xúc động chia sẻ: “3 bà cháu ngủ trên tầng 2. Bất ngờ quả đồi ập xuống rồi vùi lấp đến cổ 3 bà cháu. Nếu không được cháu Tiện đến cứu kịp thời, chắc chúng tôi không qua khỏi. Gia đình tôi biết ơn cháu Tiện nhiều vì đã cứu sống chúng tôi trong lúc nguy cấp đó”.

Khi người dân tưởng chừng như bơ vơ, không có nhà để về, nhưng nhờ chính sách kịp thời và sự hỗ trợ của cả cộng đồng, những bản làng, khu dân cư đang dần được hồi sinh. Ước mơ của người dân có ngôi nhà mới đã trở thành hiện thực.

Không còn nhà, không có cả chỗ để thắp nén nhang cho chồng, hiện mẹ chồng và hai mẹ con chị Hoàng Thị Nhiên - vợ của nạn nhân Hoàng Văn Dược (một trong 9 nạn nhân xấu số sau vụ lở đất ở thôn Át Thượng) đang phải đi ở nhờ nhà anh trai chồng.

Thân hình gầy guộc, xanh xao, chị Nhiên nghẹn ngào nói: "Đêm kinh hoàng ấy tôi không thể quên được. Tối hôm đó, tôi ngủ bên nhà mẹ đẻ, còn chồng, mẹ chồng, cháu chồng và con trai ngủ ở nhà. Chồng tôi ngủ dưới tầng một, sạt lở bất ngờ khiến anh bị vùi lấp sâu. 16 ngày sau, lực lượng chức năng giúp tôi tìm thấy chồng. Sau cú sốc mất đi chồng, bản thân càng suy sụp hơn vì nhà cửa, tài sản bị vùi lấp hết. Thời gian trôi đi, nhờ sự quan tâm của anh em, hàng xóm, chính quyền nên tôi cũng dần nguôi ngoai và cố gắng ổn định tinh thần vì là trụ cột của mẹ già và con thơ".

Tuy nhiên, chị Nhiên không có công việc ổn định, việc dựng lại nhà ở là gánh nặng đáng lo âu. Niềm vui đến với chị khi được Quân khu 2 hỗ trợ làm nhà tại khu tái định cư mới. Không chỉ vậy, chị còn được tỉnh Yên Bái hỗ trợ 60 triệu đồng và chính quyền các cấp hỗ trợ, kết nối với các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình.

Khuôn mặt đượm buồn nhìn di ảnh chồng, chị Nhiên tâm sự: “May mắn thiên tai không lấy đi tất cả, tôi vẫn còn con làm chỗ dựa tinh thần. Sắp có nhà mới an toàn để ở, bản thân cũng có thêm nghị lực để cố gắng thay chồng nuôi dưỡng con và mẹ già. Tôi biết ơn vì được chính quyền các cấp quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ”.

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 được Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng Dự án bố trí tái định cư cho 35 hộ dân tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên với diện tích 2,3 ha. Nhà được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày; mỗi căn có tổng diện tích 130m2 sàn, có khu vệ sinh tầng 1 với giá trị 650 triệu đồng.

Công trình khởi công từ ngày 18/11, đến nay, Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) đang khẩn trương huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm giúp người dân yên tâm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Trong thiên tai, hoạn nạn, người dân Yên Bái "khắc cốt, ghi tâm" sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, nghĩa cử cao đẹp “nhường cơm, sẻ áo”, “thương người như thể thương thân” của các đơn vị, tập thể và đồng bào cả nước hướng về đồng bào vùng lũ.

Nghị quyết nhân văn, kịp thời

Để khắc phục hậu quả bão Yagi, tỉnh Yên Bái chủ động chỉ đạo từ sớm, từ xa, huy động cả hệ thống chính trị ứng phó và triển khai các giải pháp khắc phục mưa lũ. Đến nay, cuộc sống của người dân vùng lũ đang dần được ổn định.

Anh Hoàng Văn Quế, Trưởng thôn Át Thượng cho biết, toàn thôn có 153 hộ dân, trong đó có 97% dân tộc Tày sinh sống. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm, người dân trong thôn dần nguôi ngoai với những đau thương, mất mát. Những hộ dân mất nhà phải di dời đang được chính quyền bố trí đất ở mới an toàn hơn; ngoài ra, họ còn được hỗ trợ tiền để dựng lại nhà. Đây là chính sách nhân văn thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp, giúp người dân có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước, sau bão Yagi, tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. HĐND tỉnh kịp thời ban hành 2 nghị quyết gồm: Nghị quyết hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024 - 2025; Nghị quyết quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024 giúp nhân dân sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Đối với hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, HĐND tỉnh Yên Bái thông qua danh mục dự án, hộ gia đình, cá nhân cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sản xuất sang mục đích khác đối với 11 dự án tái định cư cho nhân dân với diện tích hơn 13 ha; đồng thời cho phép 209 hộ chuyển đổi 2,37 ha đất trồng lúa và 3,78 ha đất rừng sản xuất sang đất ở để làm nhà sau thiên tai.

Ngoài việc ban hành các nghị quyết, Yên Bái cũng huy động lồng ghép các nguồn lực để khắc phục hậu quả. Đến nay, tỉnh đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị trên 300 tỷ đồng; di dời khẩn cấp 21.223 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh tập trung nhân lực, vật lực vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh, khắc phục cơ sở hạ tầng; hoàn thành gần 500 ngôi nhà, khởi công gần 800 nhà... với kinh phí gần 98 tỷ đồng.

Sau 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, cuộc sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường. Yên Bái dự kiến 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà ở đều có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Thực tiễn công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ của tỉnh Yên Bái ngày càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Bài tiếp theo: Giải pháp căn cơ phòng, chống thiên tai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục