Điểm tựa kinh tế nông nghiệp của Việt Nam - Bài 1: Vùng đất lạc hậu hóa vựa lúa vàng

18:00' - 17/05/2025
BNEWS Sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay được dựng xây từ mồ hôi và ý chí của hàng triệu người nông dân, những người đã kiên cường bám đất, bám đồng và không ngừng đổi mới tư duy sản xuất.

Năm 2025 đánh dấu tròn 50 năm ngày đất nước thống nhất. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Việt Nam đã chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất "chín rồng" trù phú.

 

Nhìn lại chặng đường lịch sử, Đồng bằng sông Cửu Long từ vùng đất còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, đối mặt với vấn đề an ninh lương thực sau chiến tranh, đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành vựa lúa, vựa cây ăn trái và thủy sản lớn nhất cả nước. Vùng đất này không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản, khẳng định vị thế là "Điểm tựa kinh tế nông nghiệp của cả nước".

Sự chuyển mình ngoạn mục này là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố: đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đầu tư về hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ... và quan trọng nhất là ý chí, nghị lực phi thường, sự sáng tạo không ngừng nghỉ của hàng triệu người con Đồng bằng - những người nông dân đã ngày đêm bám đất, bám đồng.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết khắc họa hành trình vươn lên từ nghèo khó, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương của những người nông dân tiêu biểu tại miền Tây – những chủ thể đã trực tiếp làm nên sự thay đổi trên đồng ruộng; đồng thời, nhìn nhận những thách thức hiện tại và tương lai, cùng những định hướng chiến lược như "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" để vùng đất này tiếp tục phát triển bền vững.

Qua đó, mang đến cho độc giả cái nhìn bao quát và tự hào về sức sống mãnh liệt của Đồng bằng sông Cửu Long – vùng đất anh hùng trong chiến tranh, giàu tiềm năng, luôn giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài 1: Vùng đất lạc hậu hóa vựa lúa vàng

Sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay được dựng xây từ mồ hôi và ý chí của hàng triệu người nông dân, những người đã kiên cường bám đất, bám đồng và không ngừng đổi mới tư duy sản xuất.

Đất Chín rồng "thay da đổi thịt" sau nửa thế kỷ

Vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An từng là nơi hoang hóa, nhiễm phèn nặng sau giải phóng. Ông Nguyễn Văn Thơi là một trong những người tiên phong, rời Mộc Hóa đến xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Vùng đất khi đó "hoang vu, lau sậy mọc um tùm, không điện, không nước sạch, xung quanh chỉ toàn rắn rết, muỗi…". Cuộc sống khai hoang là những tháng ngày quần quật "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cơm vắt, ngủ bờ. Nhiều người đã bỏ cuộc, nhưng ông Thơi kiên trì, từng bước tích lũy đất đai. Từ diện tích ban đầu, ông mở rộng lên 65 ha sản xuất lúa hiện nay, một phần nhờ mua thêm đất khi Nông trường Lúa Vàng giải thể vào năm 1985.

Ban đầu, năng suất lúa thấp do đất nhiễm phèn nặng và thiếu hạ tầng thủy lợi. Nhưng cùng với nỗ lực của người dân và sự đầu tư của Nhà nước vào hệ thống kênh mương thủy lợi, năng suất lúa dần tăng lên. Nhận thức "sức người có hạn, cần vận dụng máy móc", ông Thơi đi đầu cơ giới hóa.

Ông đầu tư gần 10 loại máy móc hiện đại trị giá hơn 6 tỷ đồng và xây dựng 2 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho 170ha, cả cho gia đình và dịch vụ cho bà con. Nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến, 65ha đất của ông sản xuất lúa chất lượng cao, 3 vụ/năm, đạt bình quân 6,5-7 tấn/ha/vụ. Từ một người khai hoang vất vả, ông Thơi nay thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương.

Long An đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Những năm đầu sau giải phóng, 2/3 diện tích vùng Đồng Tháp Mười (186.000ha) là đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, năng suất lúa thấp (9-10 tạ/ha/vụ), bình quân lương thực đầu người chưa đến 100kg/năm. Chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười của Tỉnh ủy Long An từ Đại hội Đảng bộ lần thứ IV năm 1986 đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng đất này. Giai đoạn 1979-1999, hơn 150.000 ha đất hoang hóa được khai thác hiệu quả, bố trí hơn 44.000 hộ dân kinh tế mới. Diện tích gieo sạ lúa tăng từ 62.000 ha lên 293.000 ha, sản lượng tăng từ 156.000 tấn lên gần 1,2 triệu tấn.

Đến năm 2024, diện tích gieo sạ lúa toàn vùng đạt gần 448.000ha, năng suất trên 60 tạ/ha, sản lượng trên 2,7 triệu tấn (gần 80% là lúa chất lượng cao). Vùng Đồng Tháp Mười Long An chiếm hơn 80% sản lượng lương thực tỉnh.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An cho biết, từ năm 2016, Long An đẩy mạnh Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với gần 64.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất 400kg/ha và lợi nhuận gần 5 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống.

Tại Kiên Giang, tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, sự chuyển mình của nông dân còn gắn liền với mô hình kinh tế tập thể. Ông Nguyễn Hồng Phương (62 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nông dân Đường Gỗ Lộ, huyện Giồng Riềng, từng trải qua giai đoạn "quần quật quanh năm nhưng lợi nhuận từ cây lúa không được bao nhiêu", năng suất chỉ 100-120kg/công những thập kỷ trước.

Sự thay đổi bắt đầu rõ nét từ năm 2005, đặc biệt 10 năm gần đây, nhờ đầu tư hạ tầng thủy lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất cánh đồng lớn, lúa chất lượng cao, cơ giới hóa và bao tiêu đầu ra. Từ 1 ha trồng lúa ban đầu, ông Phương tích lũy lên 14 ha sản xuất 2 vụ/năm, đạt năng suất vụ Đông Xuân 10,5 tấn/ha, lợi nhuận 50 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận từ 14 ha có thể lên tới 1,1 tỷ đồng/năm.

Ông Phương nhận ra giải pháp tối ưu để nông dân khá lên là phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là Hợp tác xã. Năm 2015, Hợp tác xã  Đường Gỗ Lộ ra đời với 54 thành viên, 78 ha. Đến đầu năm 2025, Hợp tác xã có 162 thành viên, sản xuất trên 245 ha. Nông dân trong hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao, lúa sạch (Đài thơm 8, ST 24, ST 25, DS1), áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh, giảm lượng giống sạ từ 20kg/công xuống 10kg, tiết kiệm chi phí 3-4 triệu đồng/ha. Hợp tác xã cung cấp dịch vụ làm đất, bơm tát, vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã còn đầu tư điện năng lượng mặt trời cho trạm bơm và có 50ha lúa đạt chuẩn VietGAP có mã số vùng trồng.

Ông Phương khẳng định, sự phát triển của hợp tác xã chứng minh hiệu quả của kinh tế tập thể, giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, ổn định đầu ra, làm giàu chính đáng.

Những câu chuyện của ông Thơi ở Long An hay ông Phương ở Kiên Giang là đại diện cho sự chuyển mình mạnh mẽ của hàng triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Họ là những người con của đất, với ý chí, nghị lực, sự nhạy bén và khả năng thích ứng, đã biến vùng đất từng gồng mình sau chiến tranh thành vựa lúa trù phú, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Cái nôi của những "hạt ngọc" làm thay đổi đồng bằng

Thành công của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long không thể tách rời vai trò quyết định của khoa học công nghệ, mà Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Longl à một biểu tượng hàng đầu.

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thành lập năm 1977, đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành lúa gạo. Năm 1975, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ sản xuất được khoảng 5 triệu tấn lúa, năng suất trung bình 2,5 - 3 tấn/ha, chủ yếu giống lúa mùa địa phương, canh tác 1-2 vụ/năm. Đến nay, năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha và nhiều nơi có thể canh tác 3 vụ/năm. TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định vai trò lớn của công tác chọn tạo giống lúa trong sự thay đổi này.

Ban đầu, Viện nhập nội các giống lúa cải tiến từ Viện Lúa Quốc tế IRRI như "Thần Nông 8". Dần dần, Viện xây dựng chương trình lai tạo riêng và chủ động hoàn toàn. Hiện nay, các giống lúa mang thương hiệu OM (Ô Môn) do Viện nhân giống chiếm trên 65-70% trong tổng số khoảng 3,8 triệu ha diện tích gieo trồng của  Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, ba giống lúa chủ lực là OM18, OM5451 và OM380 chiếm gần 50% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng hai giống OM18 và OM5451 đã đóng góp tới 60-70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

TS. Trần Ngọc Thạch chia sẻ về giống lúa OM18, được lai tạo bởi PGS. TS. Trần Thị Cúc Hòa, nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học của Viện. Đây là giống ngắn ngày, năng suất cao, khả năng sử dụng phân đạm hiệu quả, gạo thơm nhẹ, ngon cơm. Đặc tính này khiến OM18 được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng. Nông dân Phan Thiện Khanh ở Cần Thơ đánh giá các giống mới như OM18, OM5451 có chất lượng gạo tốt, được thương lái trả giá cao hơn, đồng thời năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh, đổ ngã tốt hơn giống truyền thống. Nhờ những giống lúa chất lượng cao do Viện nghiên cứu đã giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

Không chỉ về giống, khoa học còn đóng góp vào các quy trình canh tác. Các nhà khoa học của Viện Lúa như TS. Phạm Chí Tân, Cao Văn Phụng, Phạm Văn Dư, Dương Văn Chín đã góp phần xây dựng quy trình quản lý dinh dưỡng, nước, cỏ dại, sâu bệnh như "ba giảm, ba tăng", "một phải, năm giảm".

Đồng thời, sự phối hợp giữa khoa học, nông dân và doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng. TS. Phạm Anh Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển của Công ty CP Phân bón Bình Điền, khẳng định Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị nghiên cứu cơ bản rất tốt, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để khảo nghiệm phân bón mới và đưa vào sản xuất. Ông cũng cho biết Bình Điền đang hợp tác với Viện trong các chương trình giảm phát thải khí nhà kính và xử lý rơm rạ, đóng góp vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá Viện Lúa có vai trò rất lớn trong nghiên cứu giống, bởi giống lúa thường thoái hóa sau 5-7 năm và cần giống mới chống chịu sâu bệnh. Công ty Trung An đã hợp tác với Viện Lúa hơn 10 năm trong chuỗi giá trị, từ khâu gieo sạ đến chế biến. Viện Lúa cung cấp giống nguyên chủng và cử cán bộ theo sát cánh đồng nguyên liệu của Trung An để hướng dẫn canh tác. Ông Bình khẳng định: "Nếu không có những nghiên cứu của Viện Lúa thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không có những giống lúa OM góp phần thay đổi ngành lúa gạo Việt Nam như ngày nay".

Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (hạn mặn, nhiệt độ cao, thời tiết cực đoan), yêu cầu thị trường về sản xuất xanh, giảm phát thải và nhu cầu tăng thu nhập nông dân. TS. Trần Ngọc Thạch cho biết, giải pháp về giống vẫn là giải pháp dễ thực hiện và có tác động nhanh nhất. Viện đang tập trung lai tạo giống thích ứng biến đổi khí hậu (chịu mặn, chịu nhiệt, chịu hạn) và đa dạng phân khúc thị trường.

Đồng thời, Viện hướng tới nghiên cứu quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính (mê-tan) và khai thác phế phụ phẩm (rơm rạ) để tăng thu nhập cho nông dân và giảm ô nhiễm. Mặc dù còn hạn chế về trang thiết bị nghiên cứu cơ bản, Viện định hướng xây dựng các phòng thí nghiệm cơ bản ngang tầm khu vực để làm chủ công nghệ. TS. Thạch kỳ vọng Viện sẽ thu hút các nhà khoa học giỏi và mọi nghiên cứu phải mang lại lợi ích cho người nông dân, giúp họ thích nghi với biến đổi khí hậu và đáp ứng kỳ vọng xuất khẩu.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua một cuộc chuyển mình kỳ diệu, từ vùng đất khó khăn, thiếu thốn trở thành vựa lúa, vựa cây ăn trái, thủy sản hàng đầu quốc gia và thế giới. Đó là thành quả của sức lao động, ý chí quật cường của người nông dân; là minh chứng cho vai trò quyết định của khoa học công nghệ trong việc tạo ra những đột phá và là kết quả của đường lối, chính sách đúng đắn, kịp thời từ Đảng và Nhà nước.

Tuy vẫn còn đó những thách thức lớn, đặc biệt là tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và những vấn đề nội tại trong liên kết chuỗi giá trị, nhưng với nền tảng vững chắc đã xây dựng trong 50 năm qua, cùng với sự chung tay của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân, tin rằng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn, triển khai thành công những chiến lược mới.

Trong đó, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp chính là một bước đi chiến lược quan trọng, được xây dựng trên nền tảng 50 năm phát triển và hướng tới tương lai, nhằm củng cố vững chắc hơn nữa vị thế "Điểm tựa kinh tế nông nghiệp" cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục