Điểm tựa vốn cho người hoàn lương

14:40' - 07/10/2023
BNEWS Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Từ ngày 10/10, người chấp hành xong án phạt tù sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa là 100 triệu đồng/người theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Cụ thể, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Trong đó, người chấp hành xong án phạt tù cần đảm bảo thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được Công an cấp xã lập danh sách và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Còn với cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận, có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quyết định cũng nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.

Mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản số 7557/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Trong đó nêu rõ thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người đứng tên vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

Đối với vay vốn để đào tạo nghề, thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày người đứng tên vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày người chấp hành xong án phạt tù kết thúc khoá học, kể cả thời gian người chấp hành xong án phạt tù được các cơ sở đào tạo nghề cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có).

Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định: tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm và tối đa bằng thời hạn phát tiền vay đối với các chương trình đào tạo khác.

Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thời hạn cho vay tối đa 120 tháng, cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của người đứng tên vay vốn/cơ sở sản xuất kinh doanh để thỏa thuận.

Về bảo đảm tiền vay, người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

Trước khi Quyết định số 22 được ban hành, chưa có chính sách nào riêng để hỗ trợ vay vốn cho nhóm đối tượng này và cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người đã từng lầm lỡ. Chính sách mới mở ra hi vọng cho những người chấp hành xong án phạt tù, tạo điểm tựa về vốn cho người đã từng lầm lỡ, hoàn lương và giúp họ có cơ hội phát triển bình đẳng trong xã hội.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an), người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường phải đối mặt với rất nhiều rào cản như sự mặc cảm, tự ti về quá khứ của bản thân, khó tìm việc làm, thậm chí còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử... Do đó, khi người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ phạm tội, đảm bảo an ninh an toàn xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục