Diễn biến dịch COVID-19 ở Nhật Bản ngày càng đáng lo ngại

19:17' - 18/08/2021
BNEWS Ngày 18/8, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 23.917 ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản lên 1.207.309 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tính đến cuối ngày 18/8, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 23.917 ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản lên 1.207.309 ca, bao gồm 712 ca trên tàu du lịch Dianmond Princess.

Đáng chú ý, chỉ trong ngày hôm nay, đã có 24/47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao kỷ lục. Số bệnh nhân nặng tiếp tục tăng mạnh với 1.716 ca, tăng 70 ca so với trước đó một ngày.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin tỉnh Osaka ở miền Tây ghi nhận 2.296 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, tỉnh Hyogo lân cận, tỉnh Aichi ở miền Trung và tỉnh Fukuoka ở miền Nam cũng ghi nhận các kỷ lục mới với số ca mắc trong ngày đều vượt mức 1.000 ca.

Thủ đô Tokyo cũng ghi nhận 5.386 ca mắc mới chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận ngày 13/8 vừa qua.

Thủ đô Tokyo là tâm dịch của làn sóng thứ 5 tại Nhật Bản, với hơn 80% số giường chăm sóc đặc biệt đã được sử dụng, làm dấy lên lo ngại rằng các bệnh viện trên cả nước sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh quá tải nếu biến thể mới tiếp tục lây lan.

Tại phiên họp toàn thể Hội đồng thành phố Tokyo ngày 18/8, Thống đốc Koike Yuriko cho biết sắp tới thành phố sẽ tập trung phổ biến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho giới trẻ.

Dự kiến thành phố sẽ đặt một trung tâm tiêm chủng ngay cạnh ga Shibuya, một trong những địa điểm tập trung nhiều thanh thiếu niên nhất của Tokyo.

Ngoài ra, một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ sẽ được triển khai với các ứng dụng trên điện thoại thông minh và thành phố có thể sẽ xem xét hỗ trợ đặc biệt cho những người trẻ đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ngày 17/8, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã cho phép gia hạn tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và các vùng khác đồng thời tiếp tục mở rộng biện pháp ra thêm 7 tỉnh, để ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh.

Biện pháp khẩn cấp hiện được áp dụng với gần 60% dân số Nhật Bản và sẽ có hiệu lực đến ngày 12/9, thay vì kết thúc vào ngày 31/8 như dự kiến ban đầu.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc hạn chế người đến các cửa hàng tiện ích và các địa điểm tập trung đông người đồng thời nỗ lực để bổ sung giường bệnh và nguồn cung vaccine.

Cố vấn về dịch bệnh hàng đầu Nhật Bản Shigeru Omi kêu gọi tăng cường các biện pháp nhắm tới từng cá nhân, thậm chí sửa đổi luật pháp nếu cần thiết để siết chặt các biện pháp phong tỏa.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh theo lệnh tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng đóng cửa sớm, người dân làm việc tại nhà và đều dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân.

Trên thực tế, các dữ liệu giám sát di chuyển cũng phản ánh lệnh tình trạng khẩn cấp hiện không phát huy hiệu quả hạn chế đi lại như trước đây và điều này sẽ cản trở nỗ lực của chính phủ nhằm giảm đà lây lan dịch bệnh và làm gia tăng nguy cơ trì hoãn quá trình hồi phục kinh tế.

Các dữ liệu giám sát di chuyển do công ty Agoop Corp tổng hợp từ dữ liệu của chính phủ cho thấy hoạt động đi lại quanh các nhà ga ở Nhật Bản tăng trong thời gian gần đây.

Dù dữ liệu di chuyển tăng cũng là dấu hiệu củng cố triển vọng tiêu dùng trong ngắn hạn nhưng về khía cạnh chống dịch, điều này không phải tín hiệu tốt với những nỗ lực nhằm giảm đà lây lan dịch bệnh.

Cụ thể, hoạt động di chuyển xung quanh nhà ga Tokyo, điểm giao thông chính của thủ đô, tăng 233% trong ngày 16/8 so với một tuần trước đó trong bối cảnh người dân trở về sau kỳ nghỉ Hè.

Trong cùng giai đoạn, dữ liệu di chuyển cũng tăng 17,2% xung quanh nhà ga Shinjuku, ở Tokyo, tăng 29,1% xung quanh nhà ga Hakata ở thành phố Fukuoka và tăng 31,9% xung quanh nhà ga Shinsaibashi ở Osaka. Đáng chú ý, đây đều là những nơi đang áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, các dữ liệu của chính phủ cũng cho thấy hoạt động đi lại tại các nhà ga ở vùng thủ đô Tokyo từ ngày 4/8 giảm 37% so với trước đại dịch, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm 70% ghi nhận hồi tháng 4/2020 khi Nhật Bản ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đầu tiên, phản ánh ý thức tuân thủ của người dân có dấu hiệu giảm sút.

Giới phân tích lo ngại dù sự gia tăng hoạt động đi lại sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại làm hỏng các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nên về lâu dài sẽ cản trở tiến trình phục hồi toàn diện của nền kinh tế thứ 3 thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục