Diễn biến mới đẩy giá nhôm thế giới tăng mạnh

20:00' - 07/09/2021
BNEWS Tác động khó lường về tình hình chính trị ở Guinea có thể dẫn đến những ảnh hưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tình trạng đầu cơ khiến giá nhôm tăng vọt.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia châu Phi Guinea, bên cạnh những tác động khó lường về chính trị, tình hình ở Guinea có thể dẫn đến tác động về kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tình trạng đầu cơ khiến giá nhôm tăng vọt.

Giá nhôm tăng đột biến

Ngay sau khi cuộc đảo chính nổ ra, trong phiên giao dịch ngày 6/9, giá nhôm đã tăng vọt lên mức cao nhất của hơn một thập kỷ, với giá nhôm kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải có lúc tăng 3,4% lên hơn 21.980 nhân dân tệ/tấn (tương đương 3.406,64 USD/tấn) - mức cao kỷ lục kể từ năm 2006. Trên sàn giao dịch kim loại London (LME), giá kim loại này cũng đột ngột tăng, với giá nhôm kỳ hạn giao sau ba tháng cộng thêm 1,8% và chạm ngưỡng 2.775,50 USD/tấn - mức cao chưa từng có kể từ tháng 5/2011.

Diễn biến này cho thấy thị trường thế giới lo ngại rằng bất ổn chính trị tại Guinea sẽ gây gián đoạn nguồn cung, do quốc gia châu Phi này là nước cung cấp quặng bauxite chính, vốn được sử dụng để sản xuất alumin - nguyên liệu được dùng để sản xuất nhôm. Theo thống kê, Guinea là nước sản xuất quặng bauxite lớn thứ hai trên thế giới sau Australia, cung cấp đến hơn 50% lượng quặng được nhập khẩu bởi Trung Quốc.

Giá nhôm đã tăng khoảng 40% trong năm nay, trong bối cảnh các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, trong khi Trung Quốc, quốc gia sản xuất nhôm hàng đầu thế giới, lại đang hạn chế sản xuất để cắt giảm lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp nặng và giải quyết tình trạng thiếu điện trong nước. 

Các chuyên gia cho rằng môi trường giá nhôm cao có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại về tình hình lạm phát, bởi kim loại này là thành phần chính để sản xuất nhiều loại sản phẩm từ ô tô đến điện thoại thông minh và hệ thống năng lượng.

Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING, nhận định: “Các biên giới trên bộ và trên không đều đã đóng cửa, điều này có thể dẫn đến một số gián đoạn”.

Eric Humphery-Smith, một chuyên gia phân tích thuộc công ty tư vấn chiến lược và rủi ro Verisk Maplecroft, dự đoán rằng các hoạt động kinh tế có thể sẽ đóng cửa trong những ngày tới và thậm chí là vài tuần. Chuyên gia này nói: "Các thợ mỏ giờ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi những diễn biến rõ ràng hơn”.

Những cơ hội được mở ra?

Xiong Hui, trưởng nhóm phân tích về nhôm thuộc công ty nghiên cứu Beijing Antaike Information Development, nhận định: “Giới đầu tư tỏ ra khá lo ngại khi Trung Quốc nhập một lượng lớn quặng bauxite từ Guinea”. 

Tuy nhiên, tập đoàn Aluminium của Trung Quốc, nhà sản xuất nhôm lớn nhất và có dự án khai thác bauxite ở Guinea, cho biết mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường do họ có lượng dự trữ bauxite dồi dào tại các nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Trong khi đó, ông Vasily Suchkov, chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Veles Capital, chia sẻ với đài Sputnik rằng mặc dù bất ổn ở Guinea có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ khiến giá nhôm nhảy vọt, nhưng trong trung hạn, tình hình sẽ bình thường trở lại.

Trước đó, Oleg Deripaska, một trong những người sáng lập công ty nhôm lớn nhất nước Nga Rusal, đã viết trên kênh Telegram rằng tình hình ở Guinea có thể làm "rung chuyển" nghiêm trọng thị trường nhôm, bởi 20% sản lượng nhôm thế giới sử dụng quặng bauxite của Guinea.

Đà tăng của giá nhôm đang tạo ra những tác động tích cực nhất định đến một số nhà sản xuất, vốn đã bị ảnh hưởng từ môi trường giá sụt giảm trong nhiều năm và thường xuyên phải bán trong tình trạng thua lỗ. 

Tuy nhiên, mức tăng phi mã trong năm qua dường như đang “đổ thêm dầu” vào những lo ngại về lạm phát khi các nhà sản xuất ngày càng tìm cách chuyển chi phí cho người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục