Diễn đàn “Không gian đổi mới sáng tạo”

15:47' - 23/09/2022
BNEWS Ngày 23/9, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Không gian đổi mới sáng tạo”.

Đây là hoạt động trong chuỗi Dự án “Thúc đẩy hợp tác trường Đại học - Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT). Dự án được tài trợ bởi USAID, do Đại học Bang Arizona thực hiện.

 

Ông Mitch Kirby, Cố vấn Giáo dục Cấp cao của USAID cho biết, đầu những năm 2000, phong trào đổi mới và sáng tạo đã truyền cảm hứng cho các trường đại học Hoa Kỳ xây dựng các không gian để sáng tạo; không gian đa chức năng với các xưởng làm việc với đầy đủ công cụ để người tham gia có thể thực hiện các ý tưởng sáng tạo.

Ngày nay, các không gian này là không gian học tập quan trọng cho các dự án ứng dụng liên ngành. Chương trình BUILD-IT trợ giúp ngành công nghiệp và các đối tác học thuật xây dựng các kỹ năng lãnh đạo chiến lược, thúc đẩy quyền tự chủ của trường Đại học, cải thiện chất lượng chương trình và giảng dạy...

Tám năm qua, dự án BUILD-IT đã là một phần quan trọng trong sự phát triển giáo dục Đại học tại Việt Nam. BUILD-IT hỗ trợ tập huấn và tư vấn cho các cơ sở giáo dục về các phương pháp thực hành tốt nhất trong giáo dục STEM. Đồng thời, BUILD-IT đã huy động các đối tác của mình để thúc đẩy phong trào sáng tạo và đổi mới vào các trường Đại học và vườn ươm tại Việt Nam.

Hiện các Không gian đổi mới sáng tạo đã được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Lạc Hồng. Các không gian này kết nối với nhau tạo thành mạng lưới đổi mới sáng tạo, chia sẻ cách sử dụng tất cả các nguồn lực của chính các không gian để hỗ trợ phát triển các ý tưởng của các nhà sáng tạo cả trong trường Đại học và cộng đồng khởi nghiệp thành sản phẩm nguyên mẫu và sản phẩm cuối cùng.

Trên cơ sở đó, BUILD-IT hỗ trợ sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận của sinh viên và cộng đồng đến các không gian đổi mới này. Từ đó, tạo ra sự bền vững về chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm khởi nghiệp.

Chuỗi diễn đàn của dự án BUILD-IT trong năm 2022 xoay quanh các chủ đề chính: Phương pháp học tập dựa trên giải quyết vấn đề thực tiễn; Phương pháp học tập tích hợp kỹ thuật số; Kiểm định chất lượng chương trình giảng dạy; Phụ nữ trong lĩnh vực STEM; Không gian đổi mới sáng tạo…

Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, xây dựng các phương pháp học tập dựa trên vấn đề thực tiễn tại Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0.

Để làm được điều này, cần có định hướng giảng dạy, học tập, cũng như môi trường đào tạo hiện đại, hướng tới khai mở các khả năng sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu và thực hành… Do đó, mô hình “Không gian đổi mới sáng tạo” trong chuỗi Dự án “Thúc đẩy hợp tác trường Đại học -Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT) được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao về hiệu quả và tính ứng dụng.

Là một trong những đơn vị đào tạo được USAID hỗ trợ nhiều dự án nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Đại học Cần Thơ hiện đang sở hữu “Không gian sáng chế” hiện đại bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Dự án BUILD-IT đã hỗ trợ các công cụ và thiết bị hiện đại cho các hoạt động của Không gian sáng chế của trường. 

Mục tiêu chính của Không gian sáng chế là phục vụ niềm đam mê đổi mới của sinh viên và giảng viên các ngành kỹ thuật - công nghệ. Đây được xem là phòng thí nghiệm chế tạo tuyệt vời cho các hoạt động nghiên cứu và học tập của sinh viên.

Từ khi Không gian sáng chế của Trường Đại học Cần Thơ được thành lập, có rất nhiều chương trình STEM được thực hiện, trong đó bao gồm cả học sinh Trung học Phổ thông và giáo viên. Trước khi Không gian sáng chế ra đời, các mẫu thử của sinh viên liên quan đến các dự án hoặc các khóa học rất đơn giản. 

Các mẫu thử trở thành mẫu chuyên nghiệp và hoàn hảo hơn sau khi sinh viên tham gia Không gian sáng chế. Ngoài ra, các em sinh viên đã tham gia nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế về đổi mới khoa học công nghệ với những giải thưởng lớn. Hơn nữa, số lượng dự án, luận án tăng lên hàng năm. Các sinh viên được thực hiện các chương trình thực tập tại các trường Đại học và công ty nước ngoài.

Nhiều trường Trung học Phổ thông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đến thăm và trải nghiệm trung tâm đổi mới sáng tạo này. Không gian sáng chế của Đại học Cần Thơ có mối quan hệ rất tốt với các đối tác trong ngành. 

Họ đã hỗ trợ ngân sách để trang bị thêm các công cụ và thiết bị cho các hoạt động của Không gian sáng chế. Điều này giúp sinh viên của trường có cơ hội phát triển nghề nghiệp và công việc sau khi tốt nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục