Diễn tập ứng phó sự cố công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng

19:33' - 03/12/2016
BNEWS Diễn tập nhằm kiểm tra khả năng huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tình huống các đơn vị cứu hộ cứu người bị đuối nước do hồ Dầu Tiếng bị sự cố . Ảnh: Lê Đức Hoảnh- TTXVN

Ngày 3/12, tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức diễn tập "ứng phó sự cố công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng" năm 2016, nhằm nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó với khả năng xảy ra mưa, lũ lớn; đặc biệt là sự cố hồ chứa nước, đảm bảo an toàn hạ du của công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Diễn tập nhằm kiểm tra khả năng huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rút kinh nghiệm bổ sung kế hoạch, cơ sở vật chất, ứng phó có hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới.

Tình huống giả định là trên địa bàn có mưa to, rất to kéo dài, với lượng mưa phổ biến từ 50 - 150 mm, có nơi trên 200 mm, do cơn bão PAKHAR gây ra. Mực nước hồ Dầu Tiếng đạt cao trình Z=25,11 mét, vượt cao trình mực nước lớn nhất thiết kế. Nước hồ vẫn tiếp tục tăng lên khoảng 5 cm/ngày.

Do mực nước hồ đã vượt trên mức báo động 3, theo quy trình, Công ty đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vận hành sang chế độ đảm bảo an toàn công trình. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Công ty tăng dần lưu lượng xả qua tràn xả lũ đến lưu lượng xả thiết kế, để đảm bảo an toàn công trình.

Tình huống giả định nước hồ Dầu Tiếng dâng cao, không thể phân lũ xuống sông Sài Gòn, phải phá bờ đập số 3 để bảo vệ công trình. Ảnh: Lê Đức Hoảnh- TTXVN

Trong quá trình thao tác, đã phát sinh sự cố là một số cửa tràn bị kẹt, không thể phân lũ xuống sông Sài Gòn, tình thế lúc này rất khẩn cấp.

Công ty buộc phải dùng mìn để phá một đoạn tại vị trí K23 trên đập phụ chiều dài 200 mét, ngang 6 mét, cao 3 mét trên địa bàn thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu để phân lũ về sông Vàm Cỏ Đông.

Tình huống đặt ra sau khi phá đập là toàn bộ vùng hạ du sau đập, từ cao trình 24 mét trở xuống sẽ bị ngập. Các huyện bị ảnh hưởng bao gồm: Dương Minh Châu, Hòa Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Thành phố Tây Ninh và một phần của 3 huyện Trảng Bàng, Tân Biên, Tân Châu. Diện tích ngập sau đập là 1.400 km2, trong đó địa bàn ấp Phước Bình 1 của xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là vùng ngập trọng điểm, cần phải được tổ chức sơ tán ngay.

Với tinh thần phân công, chuẩn bị trước khi phá đập, các đơn vị Công an, Quân sự thuộc huyện Dương Minh Châu; xã Suối Đá, ấp Phước Bình 1 phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành sơ tán nhân dân của ấp Phước Bình 1 và vùng lân cận, về địa điểm trường tiểu học Phước Bình 1; chuẩn bị các phương án ứng cứu cần thiết, hạn chế thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Các ngành công an, quân sự, y tế tiếp tục huy động lực lượng, ca-nô, xe cấp cứu... truy tìm người, tài sản của người dân nơi bị ngập lụt để cứu vớt, đưa vào bờ; đối với người bị đuối nước, kịp thời sơ cấp cứu, đưa đến bệnh viện, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục