Điều chỉnh phụ tải điện: Lợi cả đôi bên

08:02' - 16/08/2019
BNEWS Hệ thống điện của Việt Nam hiện thiếu nguồn dự phòng, nhưng tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm vẫn ở mức rất cao, khoảng 10%/năm.
Công ty Điện lực Quảng Bình kiểm tra hệ thống điện cho người dân trong mùa cao điểm. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Đặc biệt, vào những giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, gây áp lực quá tải lên hệ thống.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đầu tư lớn cho phát triển nguồn và lưới điện, thì việc điều chỉnh phụ tải điện, nhất là trong giờ cao điểm của hệ thống sẽ là giải pháp hữu hiệu.

Doanh nghiệp ngần ngại

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR).

Đây là giải pháp quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu giảm công suất của hệ thống điện trong giờ cao điểm, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), thực tế hiện nay, thách thức lên nguồn cung điện, truyền tải điện, nhiên liệu dần khan hiếm đang ngày một lớn.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện trong thời gian qua vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chương trình quản lý nhu cầu điện và Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện là giải pháp quan trọng để quản lý nguồn cầu, giúp giảm áp lực lên hệ thống điện trong giờ cao điểm.

Báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho hay, tính đến hết tháng 6/2019, chỉ riêng 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã có hơn 1.100 khách hàng đồng ý và ký thỏa thuận tham gia chương trình này.

Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết, đơn vị đã rà soát, lên danh sách gần 280 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên; phối hợp với tư vấn, qua làm việc với gần 200 khách hàng.

Từ đó, ký kết thỏa thuận thực hiện với 32 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 3 triệu kWh trở lên.

Mới đây, Công ty Điện lực Hải Phòng cũng đã ký kết thêm với 10 doanh nghiệp để thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện.

Ông Nguyễn Hữu Hưởng, Phó Giám đốc Điện lực Hải Phòng cho hay, mặc dù nỗ lực triển khai, song đến nay nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng vẫn còn băn khoăn về việc điều chỉnh phụ tải có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc điều chỉnh chỉ được thông báo trước 24h.

Công nhân Công ty Điện lực Hải Dương (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) khảo sát nhu cầu điện năng một cơ sở sản xuất gốm Chu Đậu. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Theo phân tích của TS Dương Trung Kiên, Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Việt, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại khi tham gia bởi việc tính toán giá trị tiết kiệm năng lượng chưa cụ thể. Tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian sẽ có những tác động lên số liệu tính toán.

Ngoài ra, chính bản thân doanh nghiệp cũng chưa đặt niềm tin vào đơn vị tư vấn; hay những lo ngại về tài chính, ảnh hưởng thời gian sản xuất khi thực hiện... Những vấn đề này rất cần có cơ chế và hướng dẫn để doanh nghiệp tham gia thực hiện một cách tích cực.

Giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải sẽ giúp ngành điện giảm chi phí đầu tư nguồn lưới, giảm được chi phí mua điện từ thị trường điện và vận hành tối ưu hệ thống điện.

Giải pháp này đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai tích cực và được đánh giá là giải pháp hết sức quan trọng.

Bởi trên thực tế, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam thuộc Top cao nhất các nước trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, hệ số đàn hồi điện (tỷ lệ giữa tăng trưởng GDP/tăng trưởng nhu cầu điện) ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Đây cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá là rất hiệu quả nếu có sự chung tay từ phía các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có lượng điện tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm.

Cần cơ chế hỗ trợ

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, với việc tuyên truyền, vận động của thành phố và ngành điện, ý thức tiết kiệm điện của các doanh nghiệp trên địa bàn đã nâng lên đáng kể, nhưng rõ ràng hiệu quả sử dụng điện vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Bởi lẽ, nguồn lực tài chính đầu tư chuyển đổi dây chuyền, thiết bị, máy móc vẫn còn hạn chế tại nhiều doanh nghiệp.

Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ của nhà nước vẫn còn chung chung, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

“Đây là điểm nghẽn cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả; trong đó có Chương trình quản lý nhu cầu điện và Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện”, ông Thành nói.

Vận hành hệ thống điện toàn quốc tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Theo nhiều chuyên gia, để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách xây dựng định mức tiêu hao năng lượng đối với một số ngành công nghiệp; từ đó có chế tài xử lý đối với các đơn vị không chấp hành, vi phạm quy định.

Đồng thời, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể hơn nữa cho các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế...

Ông Lê Minh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty Xi măng Chinfon cho biết, điện có ảnh hưởng lớn đến tài chính của doanh nghiệp, nếu sử dụng tiêu tốn điện, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm.

Vì vậy, công ty luôn tự ý thức và sử dụng nhiều biện pháp để giảm tiêu tốn điện năng, sử dụng điện một cách hiệu quả, tiết kiệm.

“Bản thân doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chia sẻ với ngành điện và nhà nước trong vấn đề tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, nhà nước cũng cần có các giải pháp phù hợp với mỗi doanh nghiệp vì các lĩnh vực khác nhau sẽ sử dụng năng lượng một cách khác nhau. Vì thế, cần xây dựng chương trình điều chỉnh phụ tải theo mùa hoặc từng giai đoạn”, ông Hiếu nói thêm.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện với mục tiêu giảm được ít nhất 30% công suất của hệ thống điện vào giờ cao điểm, tương ứng 90 MW (năm 2020), 300 MW (năm 2025) và 600 MW (năm 2030). Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp.

Ông Lâm cho hay, hiện ngành điện tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tham gia chương trình bằng việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện; tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả....

Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố cũng cần giám sát, đánh giá việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng với doanh nghiệp thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; có chế tài xử lý đối với những đơn vị không thực hiện các quy định của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục