Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Cần khai thác tiềm năng phát triển điện sinh khối

15:21' - 18/02/2025
BNEWS Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị điều chỉnh dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm giải quyết tình trạng lãng phí đang xảy ra, khai thác hết tiềm năng phát triển điện sinh khối.

Trên cơ sở lộ trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, tình hình và nhận diện các bất cập của cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương một số kiến nghị điều chỉnh dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII liên quan đến điện sinh khối. Điều này nhằm giải quyết tình trạng lãng phí đang xảy ra, đồng thời khai thác hết tiềm năng phát triển điện sinh khối của ngành đường Việt Nam.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất rà soát và bãi bỏ quy định phân loại các dự án điện sinh khối thành hai loại: sinh khối đồng phát nhiệt – điện và dự án sinh khối khác của cơ chế hỗ trợ phát triển hiện hành, xác định điện đồng phát từ bã mía cũng là điện sinh khối theo như thông lệ quốc tế, trước mắt điều chỉnh áp dụng một loại giá điện cho tất cả các dự án điện sinh khối là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh.

Đồng thời, xác định vai trò quan trọng của điện sinh khối trong việc ổn định hệ thống điện để hỗ trợ mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như điện mặt trời và điện gió, từ đó có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích thích hợp và xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điện sinh khối đến mức tương đương với tỷ lệ điện sinh khối trong lộ trình phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của IEA (khoảng 5% sản lượng điện).

 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước mắt, đưa 28 nhà máy đường vào danh mục phát triển dự án điện sinh khối với tiềm năng lắp đặt 1.064 MW và không giới hạn việc mở rộng nâng cao công suất trong tương lai.

Theo văn bản tham gia ý kiến về dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện ngành đường Việt Nam đang có 10 dự án điện đồng phát/sinh khối, chiếm hơn 90% tổng lượng điện sinh khối của cả nước.

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 24/2014/QĐTTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Đến năm 2020, văn bản tiếp tục được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Quyết định số 08/2020/QĐTTg. Tuy nhiên, ngay trong “cơ chế hỗ trợ” này tồn tại rào cản là quy định phân các dự án điện sinh khối thành hai loại: sinh khối đồng phát nhiệt – điện (từ bã mía) và dự án sinh khối khác. Trong khi điện đồng phát từ bã mía là nguồn điện sinh khối chủ lực (hơn 90% sản lượng điện sinh khối).

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc phân loại theo loại hình công nghệ: sinh khối đồng phát nhiệt – điện và sinh khối khác của cơ chế hiện hành đã khiến cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt – điện (dự án của các nhà máy đường) không thể hoạt động có hiệu quả. Bởi, giá mua điện thấp, khiến các nhà máy đường không thể nâng giá mua mía dẫn sản lượng mía giảm kéo theo sản lượng điện giảm trong vụ ép. Bên cạnh đó, cơ chế đồng phát nhiệt – điện khiến nhà máy không thể hoạt động như nhà máy điện sinh khối ngoài vụ ép, vì không khả thi về mặt kinh tế.

“Đây là một bất cập lớn khi cả 10 nhà máy điện sinh khối của ngành đường hiện nay, đang phải chấp nhận ngừng hoạt động 7-8 tháng trong một năm (ngoài vụ ép) và thực sự là lãng phí nguồn lực cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia đang thiếu nguồn cung, trong khi điện sinh khối còn chưa khai thác hết tiềm năng”, Hiệp hội Mía đường cho biết.

Trên thế giới, tất cả các quốc gia trồng mía (khoảng 80 nước) đều công nhận điện đồng phát từ bã mía là điện sinh khối và có cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển, góp phần đa dạng hóa cơ cấu nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. 

Trong khi đó, Việt Nam lại là nước duy nhất có quy định phân các dự án điện sinh khối thành hai loại: sinh khối đồng phát nhiệt – điện (từ bã mía) và dự án sinh khối khác, dẫn đến việc không khai thác hết tiềm năng của điện sinh khối và để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội.

Thực tế cho thấy từ khi có cơ chế hỗ trợ cho đến nay chưa có một dự án điện sinh khối mới nào đi vào vận hành. Điều này cho thấy cơ chế hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích và thu hút các đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiệp hội cũng cho rằng, một bất cập khác của cơ chế hỗ trợ là không nhận ra vai trò quan trọng của điện sinh khối trong việc ổn định hệ thống điện để hỗ trợ mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như điện mặt trời và điện gió, từ đó xác định giá bán điện sinh khối thấp hơn nhiều so với các nước như: Thái Lan, Philippines. Điều này này cũng dẫn đến tỷ lệ điện sinh khối trong Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VIII thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ điện sinh khối trong lộ trình phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của IEA (5% sản lượng điện).

Theo Dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 (kịch bản cao) điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt 2.609 – 3.506 MW (chiếm 1,3 – 1,7% tổng công suất các nhà máy điện), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 339 – 1.236 MW; định hướng đến năm 2050, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác… từ 6.062 – 6.364 MW (0,7 – 0,8%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 47 – 349 MW.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục