Điều hành chính sách tiền tệ chủ động với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý

17:25' - 01/06/2024
BNEWS Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ vừa được tổ chức, trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Theo đó, về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, các ngành chức năng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

 

Kinh tế duy trì đà phát triển ở 3 khu vực

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, thảo luận tại phiên họp, Chính phủ cùng các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực; nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Nổi bật là kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực. Theo đó, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5 đã tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5% và 5 tháng tăng 8,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03%; tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định. Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4 và tăng 22,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng tăng 16,6%; trong đó, xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn bày tỏ: “Đáng mừng là nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước và cán cân thương mại 5 tháng đã xuất siêu 8,01 tỷ USD”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho hay, tổng ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ; thu hút FDI đạt 11 tỷ USD, tăng 2%, trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất trong những năm qua.

Phát triển doanh nghiệp trong 5 tháng có 98,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là, sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp gặp thời tiết bất lợi; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi nhưng còn chậm.

Việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn khi đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ…

Trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Theo đó, về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, các ngành chức năng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%, trong đó 5 ngân hàng thương mại lớn là nòng cốt.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Đồng thời, sớm có phương án huy động thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là trong 3 lĩnh vực: thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…

Ngoài ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; điều hành chủ động, linh hoạt, nhất định không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Đồng thời, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; sớm gỡ "thẻ vàng" IUU; điều tiết, bảo đảm đủ nước cho nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục