Điều kiện để ớt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

14:38' - 16/04/2025
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình từ ngày 14 đến 15/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo Nghị định thư, để xuất khẩu an toàn ớt tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, ớt không mang đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, đất và tàn dư thực vật và tuân thủ các luật, quy định kiểm dịch thực vật có liên quan của Trung Quốc.

Các đối tượng kiểm dich thực vật mà Trung Quốc quan tâm là: Aleurodicus dispersus, Bactrocera correcta, Bactrocera latifrons, Phenacoccus solenopsis, Asphondylia capsicicola.

Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký bởi được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (MAE) và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký sẽ bao gồm tên, địa chỉ và mã số để bất cứ khi nào phát hiện có sản phẩm không tuân thủ yêu cầu cũng có thể truy xuất được nguồn gốc một cách chính xác. Danh sách đăng ký sẽ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuyển đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt trước khi xuất khẩu và sẽ được cập nhập thường xuyên. GACC sẽ công bố danh sách trên trang web của mình sau khi xem xét và phê duyệt. Những mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được đăng ký và phê duyệt sẽ được tiếp tục sử dụng sau khi Nghị định thư này được ký.

 

Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tất cả các vùng trồng đăng ký xuất khẩu ớt sang Trung Quốc phải thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện vệ sinh cho việc trồng ớt, ví dụ: duy trì môi trường sản xuất ớt cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ kịp thời các nguồn bệnh thực vật. Đồng thời, cũng phải áp dụng chương trình Quản lý tổng hợp dịch hại (IPM) bao gồm giám sát và điều tra sinh vật gây hại, biện pháp vật lý, hóa học hoặc sinh học, hoạt động nông nghiệp và các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sinh vật gây hại khác.

Các vùng trồng đã đăng ký sẽ phải thực hiện giám sát sinh vật gây hại và quản lý toàn diện đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Hoạt động giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, và cán bộ kỹ thuật phải được tập huấn bởi Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoặc đơn vị do Bộ ủy quyền.

Hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại của tất cả các vùng trồng phải được lưu giữ trong ít nhất 2 năm và cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại ít nhất phải bao gồm các thông tin chi tiết như ngày giám sát, tên sinh vật gây hại được phát hiện, các biện pháp kiểm soát được thực hiện, ngày áp dụng biện pháp, tên hoạt chất và nồng độ của các hóa chất được sử dụng.

Với sinh vật gây hại là Bactrocera correcta và B. latifron, các vùng trồng phải tiến hành giám sát trực quan và theo dõi bẫy trong suốt mùa vụ, sử dụng bẫy pheromone hoặc bẫy dính màu vàng. Nếu phát hiện thấy B. correcta và B. latifrons thì phải áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được khử trùng và xử lý lạnh dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Biện pháp xử lý lạnh được thực hiện sau khi khử trùng.

Trong trường hợp xử lý lạnh trong quá trình vận chuyển, phải theo dõi nhiệt độ tâm quả và Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xác nhận việc tuân thủ trước khi xuất khẩu. Nhiệt độ tâm quả trong quá trình vận chuyển phải đáp ứng các thông số xử lý lạnh. Phải lưu giữ hồ sơ theo dõi nhiệt độ của sản phẩm trong quá trình vận chuyển.

Với sinh vật gây hại là: Aleurodicus dispersus, Phenacoccus solenopsis và Asphondylia capsicicola, các vùng trồng phải tiến hành giám sát 2 tuần/lần trong suốt mùa vụ để kiểm tra sự xuất hiện của các loài Aleurodicus dispersus, Phenacoccus solenopsis và Asphondylia capsicicola trên quả, cành, thân và lá. Nếu phát hiện thấy bất kỳ loài sinh vật gây hại hoặc các triệu chứng tương ứng của chúng, cần áp dụng ngay lập tức các biện pháp cần thiết, bao gồm các biện pháp hóa học và sinh học, để kiểm soát quần thể sinh vật gây hại hoặc duy trì tình trạng ít nhiễm sinh vật gây hại.

Việc chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển lô hàng ớt xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được giám sát bởi cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoặc cán bộ được Bộ ủy quyền. Các cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu sang Trung Quốc phải có mặt sàn cứng, sạch sẽ và vệ sinh, có khu vực tiếp nhận nguyên liệu và kho thành phẩm. Khu vực chế biến, đóng gói, bảo quản và các khu vực chức năng khác của ớt xuất khẩu sang Trung Quốc phải được bố trí hợp lý, tách biệt với khu vực sinh sống ở khoảng cách thích hợp.

Trong quá trình đóng gói, ớt phải được lựa chọn, phân loại và rửa để đảm bảo loại bỏ côn trùng, nhện, động vật thân mềm, các quả bị bệnh hoặc thối, hạt cỏ hoặc mảnh vụn thực vật và đất. Vật liệu đóng gói phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Vật liệu đóng gói gỗ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc tế số 15 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 15). 

Phương tiện vận chuyển hoặc container chở ớt để xuất khẩu sang Trung Quốc phải được kiểm tra độ sạch tại thời điểm xếp hàng. Container phải được niêm phong và phải còn nguyên niêm phong khi đến điểm nhập cảnh Trung Quốc.

Cơ sở đóng gói đã đăng ký phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo rằng ớt xuất khẩu sang Trung Quốc có thể được truy xuất nguồn gốc.

Trong năm đầu tiên thực thi Nghị định thư, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Nếu trong năm đầu tiên này không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Trong trường hợp phát hiện thấy bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm còn sống, tàn dư thực vật hoặc đất, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nghị định thư cũng nêu rõ: Các lô hàng ớt từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không được phê duyệt sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Sau khi ký Nghị định thư, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, GACC có thể cử các chuyên gia kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến tại các vùng sản xuất ớt ở Việt Nam để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu liên quan nhằm không làm gián đoạn thương mại.

Hiện ớt được xuất khẩu thí điểm sang Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, năm 2024, giá trị xuất khẩu ớt sang các thị trường đạt đạt 68,8 triệu USD; trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục