Điều kiện giúp các doanh nghiệp cải tiến lại quy trình sản xuất

11:49' - 21/03/2019
BNEWS Đối với điều hành giá trong thời gian vừa qua, đặc biệt là giá điện đã nằm trong kịch bản điều hành của Chính phủ, kịch bản của kiềm chế lạm phát cũng như kịch bản điều hành về tăng trưởng.


 Thí nghiệm định kỳ máy biến áp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN .

“Điều chỉnh giá điện là cơ hội, điều kiện cho các doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất kinh doanh phải cải tiến lại quy trình sản xuất, cải tiến lại kỹ thuật sản xuất để làm sao giảm thiểu chi phí tiêu hao về nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu điện. Từ đó, dẫn đến hạ giá thành và tạo ra sản phẩm có mức cạnh tranh đối với nền kinh tế.”. 

Đây là ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã cho biết sau khi Bộ Công Thương đã chính thức công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh). 

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, hiện nay, giá điện của Việt Nam thấp hơn so với giá điện của các nước trên thế giới; đặc biệt là các nước trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện giá điện của Việt Nam thấp hơn 300% so với của Cộng hòa Liên bang Đức và Bỉ. Còn trong khu vực, giá điện của Việt Nam thấp hơn giá điện của Campuchia và giá điện của Philippines đến 28%; thấp hơn của Lào và Trung Quốc là 8%. Cho nên giá điện thấp như vậy thì ngành điện trong thời gian qua không có vốn để tái sản xuất đầu tư, mở rộng sản xuất, đầu tư những công trình điện mới để tăng năng lực điện cung cấp cho nền kinh tế trong thời gian trước mắt. 

“ Ngay cả nhà đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế sẽ không mặn mà khi tham gia vào đầu tư ngành điện. Đặc biệt trong thời gian tới, khi mà năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời đòi hỏi công nghệ và chi phí rất cao. Với giá điện thấp, các doanh nghiệp sẽ không thể đầu tư vì đầu tư phải có lãi.”, ông Lâm phân tích. 


Tổng cục trưởng cũng cho rằng, giá điện thấp như hiện nay dẫn đến ngay cả các hộ dân cư, các hộ tiêu dùng điện sử dụng không tiết kiệm, dẫn đến hiệu quả không cao. Tiêu dùng điện rất lớn nhưng chi phí của hộ tiêu dùng trả tiền điện lại rất rẻ. 
Người đứng đầu ngành thống kê cho biết, đối với yếu tố tăng giá điện cũng sẽ ảnh hưởng đến CPI và GDP. Hàng tháng Tổng cục Thống kê phối hợp với các đơn vị liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong khuôn khổ điều hành giá quốc gia luôn tính toán các kịch bản để kiểm soát lạm phát ở mức dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đã đề ra. Cho nên, hàng tháng sau khi có chỉ số giá, Tổng cục Thống kê đều cập nhật kịch bản để điều hành giá. 
Tư lệnh ngành cho biết, việc tăng giá điện 8,36% cũng đã nằm trong kịch bản của Tổ điều hành giá của Chính phủ cũng như của các Bộ ngành. Việc tăng giá điện này sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát của nền kinh tế ở mức trên 4%. 
Tổng cục trưởng cho biết thêm, tăng giá điện cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, theo tính toán, giá điện tăng 8,36% cũng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp sẽ làm cho GDP giảm 0,22%. Khi có kịch bản tăng giá điện, Tổng cục Thống kê đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã có giải pháp để chỉ đạo điều hành và có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp cho phần GDP bị giảm do tăng giá điện. 
Cụ thể, ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp với thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan họp bàn về các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, để làm thế nào đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,6%-6,8%. Với mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, GDP năm 2019 sẽ đạt được mức cận trên hoặc cao hơn mức 6,8%. 
“ Đối với điều hành giá trong thời gian vừa qua, đặc biệt là giá điện đã nằm trong kịch bản điều hành của Chính phủ, kịch bản của kiềm chế lạm phát cũng như kịch bản điều hành về tăng trưởng là làm thế nào để tất cả các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội phê duyệt, chúng ta phấn đấu thực hiện tốt.”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm bày tỏ./. 





 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục