Điều kiện nào để kích cầu du lịch "hậu" COVID-19?

08:42' - 01/08/2020
BNEWS Dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch thế giới và trong nước suốt những tháng vừa qua, thậm chí có những thời điểm làm ngành này tê liệt hoàn toàn.

Cùng với những thành tựu trong phòng chống dịch, thị trường du lịch nội địa đang được phục hồi. Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhiều công ty lữ hành đã tung ra những gói sản phẩm mới, có mức giá giảm sâu với hy vọng kích cầu du lịch của người dân.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần phải hành động như thế nào để Việt Nam đi trước nhưng không về sau, giảm giá kích cầu nhưng vẫn giữ được chất lượng dịch vụ, giữ được niềm tin của du khách.

Để cùng bàn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch.

Phóng viên: Theo ông, điều kiện cần và đủ để kích cầu thị trường du lịch “hậu” COVID-19 là gì?

Ông Trần Trọng Kiên: Việc đầu tiên phải có một sản phẩm du lịch tốt. Sản phẩm du lịch phải có tính sáng tạo cao và thể hiện đúng xu hướng, nhu cầu của khách hàng.

“Hậu” dịch COVID-19, thói quen, nhu cầu khách hàng cũng đã có sự thay đổi. Khách hàng quan tâm nhiều hơn đến việc trải nghiệm theo nhóm, những vùng có thiên nhiên hoang sơ và đặc biệt là việc trải nghiệm đi kèm với sự an toàn, đây chính là điều kiện quan trọng thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, sản phẩm có tốt cũng cần chiến lược quảng bá phù hợp để đưa sản phẩm đến với khách hàng.

Tùy theo cách tiếp cận của từng doanh nghiệp để đưa sản phẩm đến với khách hàng, nhưng có chọn cách nào thì việc này là bắt buộc và vấn đề kích cầu du lịch là một cách tương đối tốt, hiệu quả để mang sản phẩm đến với khách hàng.

Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút khách du lịch, đồng thời tránh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng khi mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế?

Ông Trần Trọng Kiên: Việc vừa thu hút khách du lịch quốc tế, vừa tránh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng  là việc khó.

Việt Nam đã thành công trong việc chống dịch COVID-19 và mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế cũng như cho người dân.

Việc đi lại “tự do” trong nội địa hiện đang là giấc mơ của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Để Việt Nam mở cửa ra thế giới có một vấn đề quan trọng nhất, đó chính là Việt Nam phải tìm được quốc gia nào cũng không có lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tiếp theo đó, cần có cơ chế đàm phán để có thể trao đổi và đảm bảo rằng ngay lập tức có thể kết nối an toàn.

Thời gian qua, Hội đồng Tư vấn Du lịch đã làm việc cùng với Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan khác để có danh sách quốc gia phải theo dõi, chia sẻ thông tin và tạo ra hành lang an toàn để đưa khách Việt Nam sang quốc gia đó, cũng như khách từ quốc qia đó đến Việt Nam.

Khi chuẩn bị cho việc mở cửa quốc tế trở lại, việc quan trọng là tạo ra cơ chế vận hành an toàn. Đó là các khách sạn an toàn, các tour du lịch an toàn kết hợp với các đường bay hàng không an toàn.

Quy định hiện tại về du lịch, hàng không tương đối ổn định và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được khi mở cửa quốc tế trở lại.

Tuy nhiên, với khách quốc tế có một vấn đề khó thực hiện là khi muốn có du lịch an toàn thì bắt buộc phải cách ly trong 14 ngày khi đến Việt Nam.

Việc mở cửa chỉ có thể xảy ra khi các nước có một thời gian dài, ít nhất là 5 đến 6 tuần không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, cùng với đó là quốc gia mà Việt Nam mở cửa phải có cơ chế đồng thuận với Việt Nam về việc kết nối hàng không.

Theo tình hình dịch bệnh COVID-19 trong khu vực cũng như trên thế giới, việc mở cửa là khó. Đến thời điểm này, có rất ít nước có thể kết nối với Việt Nam trong việc mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Nếu có, dự báo có thể cuối tháng 9 hoặc sang tháng 10, việc mở cửa ra bên ngoài mới có thể thực hiện.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng dịch COVID-19 là dịp để tái cấu trúc ngành du lịch. Vậy theo ông, nên bắt đầu từ đâu khi ngành du lịch đang rệu rã, gắng gượng để tồn tại?

Ông Trần Trọng Kiên: Hiện tại, ngành du lịch đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng nhìn thấy trong vòng hai thập kỷ.

Số lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay có thể giảm đến 78% và không chỉ du lịch Việt Nam, mà ngành du lịch thế giới cũng chịu tỉnh cảnh tương tự và nhiều quốc gia còn nặng nề hơn.

Theo dự báo của Hội đồng Tư vấn Du lịch, doanh thu của ngành du lịch trong năm 2020 có thể giảm tới 56%, điều này đồng nghĩa với việc một nửa trong số hơn 4,5 triệu việc làm sẽ bị mất đi.

Để phục hồi được trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn, vì vậy thị trường nội địa sẽ là cứu cánh trong 6 đến 12 tháng tới.

Tuy nhiên, ngành du lịch bắt buộc phải có khách quốc tế mới có thể phát triển và vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vì vậy, kết hợp với sự thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Việt Nam cần tìm cách để mở cửa một số thị trường và mở trước một số quốc gia. Đặc biệt đối với một số thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia.

Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 10% thị phần khách du lịch Australia đến châu Á, trong trường hợp mở trước Thái Lan, Indonesia, Hongkong (Trung Quốc), Philippines,… từ một đến hai tháng thì Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để giới thiệu đến thị trường này các sản phẩm rất đặc sắc và hoàn toàn phù hợp du khách Australia.

Nếu đạt 20 đến 30% thị phần khách du lịch Australia đến châu Á thì đồng nghĩa Việt Nam sẽ có từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu khách Australia đến Việt Nam.

Đây là ví dụ để thay đổi cấu trúc nguồn khách du lịch, đồng thời cần tận dụng cơ hội là điểm đến an toàn để tiếp thị và mở cửa trước thị trường.

Việc tái cấu trúc nguồn khách du lịch sẽ kéo theo việc tái cấu trúc sản phẩm du lịch, tái cấu trúc nguồn nhân lực và từ đó sẽ tạo sẽ tăng năng suất lao động trong ngành du lịch.

Bản chất của ngành du lịch thành công là có năng suất lao động cao hơn so với những ngành khác, từ đó tạo thu nhập cao hơn và mang lại sự phồn thịnh cho cộng đồng.

Phóng viên: Xin ông cho biết quan điểm của mình về khả năng phục hồi của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Trần Trọng Kiên: Việt Nam đã thành công trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và một bài học ngành du lịch có thể học được, đó là sử dụng nguồn lực giới hạn để tập trung vào những điểm quan trọng.

Nếu ngành du lịch tập trung vào một số thị trường quan trọng, đồng thời tập trung nguồn lực và điều tiết để huy động được sự chung tay của cộng đồng ,cũng như giới doanh nghiệp thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng vào năm 2022.

Mục tiêu nên đặt ra trong thời gian tới đó là tăng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.

Việt Nam đang có một số điểm, một số khu vực cạnh tranh chưa tốt như vấn đề môi trường, thị thực…

Những vấn đề này, nếu giải quyết trong hai, ba năm tới với điều kiện thị trường không có nhiều và biên giới vẫn có thể bị đóng cửa ở một số nước thì Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Nếu năng lực cạnh tranh được cải thiện thì mục tiêu của du lịch Việt Nam ngang với du lịch Thái Lan trong năm, bảy năm tới là hoàn toàn khả thi.

Phóng viên: Hội đồng Tư vấn Du lịch có những khuyến nghị gì với cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp để ngành du lịch có được kịch bản tốt nhất, thưa ông?

Ông Trần Trọng Kiên: Ngành du lịch cần có khuyến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tập trung ưu tiên các gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp quyết liệt và nhanh chóng hơn.

Trước mắt, thực hiện tốt Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nghị quyết số 84 có nhiều chính sách giảm thuế, phí và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, việc kích cầu là rất quan trọng để cứu cho doanh nghiệp giữ được công ăn việc làm trong thời gian tới.

Việc tiếp theo là phối hợp với các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không để đàm phán song phương với các quốc gia mà Việt Nam có thể mở cửa sớm.

Ngay khi mở cửa cần có chính sách quyết liệt, nhanh chóng như thị thực, đường bay để công dân đi lại dễ dàng và đồng thời áp dụng cơ chế an toàn để việc mở cửa thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo cho người dân.

Ở thời điểm hiện nay cũng là cơ hội để nới lỏng các chính sách cho phép các doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả hơn và cũng là sự chuẩn bị cho tương lai của ngành du lịch Vệt Nam.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, những điểm nghẽn của du lịch cần phải tháo gỡ như sân bay, bến cảng, điểm kết nối giữa sân bay và các điểm du lịch để tạo ra các sản phẩm tốt.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục