Điều trị thành công các bệnh nhân COVID-19 - niềm tự hào của ngành y tế Ninh Bình

08:11' - 09/05/2020
BNEWS Ít ai biết được rằng để chữa khỏi cho 13 bệnh nhân mắc COVID-19 ở bệnh viện tỉnh Ninh Bình là cả một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi, sự thầm lặng hy sinh của những "chiến binh áo trắng".

Ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã chữa khỏi cho tất cả 13 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là niềm vui không chỉ của người bệnh và thân nhân mà còn là niềm vui của cả cộng đồng, niềm tự hào, động lực để các y, bác sỹ tỉnh Ninh Bình vững tâm nơi tuyến đầu chống dịch, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Thời điểm bệnh nhân cuối cùng mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình được công bố khỏi bệnh là ngày 4/5. Đó là bệnh nhân số 166, người này có 4 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình  cũng đã chữa trị thành công cho 9 bệnh nhân khác. Niềm vui khi được xuất viện hiện hữu rõ trên ánh mắt của nữ bệnh nhân 166. Cô và người thân không quên bày tỏ sự xúc động và cảm ơn sâu sắc về sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên Khoa Truyền nhiễm.

Ít ai biết được rằng để có được thành công đó là cả một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi, sự thầm lặng hy sinh của những "chiến binh áo trắng" sẵn sàng lao mình vào các điểm nóng để giành giật sự sống cho người bệnh.

Hơn hai tháng qua, 19 y, bác sỹ tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) phải ăn, ngủ tại bệnh viện với điều kiện sinh hoạt hết sức tối giản. Công việc hàng ngày của các bác sỹ, điều dưỡng ở đây là thăm khám, đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân cũng như chăm lo vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Điều dưỡng Trần Thị Phương Loan từ khi nhận được thông báo của bệnh viện về thời gian điều trị, cách ly cho bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus SARS-CoV-2, cũng là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, chị chỉ có được nửa ngày ở nhà cai sữa cho con rồi phải vào viện từ đầu tháng 3 đến nay. Hai con còn nhỏ, bé đầu 3 tuổi và bé thứ 2 hơn 15 tháng tuổi nhưng vì đặc thù công việc nên chị phải tạm thời nhờ bà nội ở quê lên chăm sóc.

Chị Loan nghẹn ngào chia sẻ: "Hàng ngày, chỉ khi tối muộn sau khi trút bỏ bộ đồ bảo hộ dày nhiều lớp kín mít, tôi mới có thời gian gọi điện về nói chuyện với các con. Mấy ngày đầu xa con, lần nào gọi video thấy mặt mẹ, 2 con cũng khóc nói nhớ mẹ, hỏi mẹ đi đâu không về mà tôi không kìm nổi nước mắt, rồi cả 3 mẹ con cùng khóc. Nhưng vì đặc thù công việc là cứu chữa người bệnh nên tôi luôn động viên gia đình và các con cùng cố gắng vượt qua".

Điều kiện làm việc đặc biệt là sinh hoạt trong khu cách ly mặc dù còn nhiều thiếu thốn. Trước đây khu này chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm thì hiện nay là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống của 19 người. Hiểu được hoàn cảnh thực tế và khó khăn chung của bệnh viện, mọi người đều tự có ý thức sắp xếp nơi làm việc, ăn, ngủ, sinh hoạt hợp lý, mỗi người cũng thông cảm, hỗ trợ nhau để công việc và sinh hoạt thuận lợi.

Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, để thể hiện tinh thần rất cao trong đẩy lùi dịch COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã phát động đợt tình nguyện tham gia các kíp điều trị bệnh nhân COVID-19 với hơn 100 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện đăng ký sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Dù dịch COVID-19 làm nhiều người e ngại, bất an và gặp khó khăn trong quá trình điều trị khi dịch mới không có phác đồ điều trị, không có vắc xin và không biết diễn tiến của bệnh cũng như cơ chế lây bệnh cụ thể nhưng cán bộ, y, bác sĩ ở đây khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý, theo dõi cách ly các ca bệnh nghi nhiễm, dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn can đảm, tận tụy, thầm lặng làm việc vì sự an toàn của người bệnh và cộng đồng.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do mang tính đặc thù của một đơn vị y tế hoạt động trên địa bàn huyện miền núi nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao của những y bác sỹ, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho 2 bệnh nhân COVID-19.

Ngay từ khi tiếp nhận, Bệnh viện đã chủ động chuẩn bị các cơ sở vật chất, đồng thời chỉ định các bác sỹ có chuyên môn cao trực tiếp điều trị và chuẩn bị các phương án dự phòng sẵn sàng ứng phó nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng. Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực trong việc điều trị cho bệnh nhân mà đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan còn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân.

Đặc biệt, khi xuất viện, do gia đình bệnh nhân 229 không sắp xếp được người đưa đón nên Bệnh viện đã bố trí xe đưa bệnh nhân về nhà tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sự nhiệt tình, trách nhiệm và trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng nơi đây đã tạo nên uy tín, thương hiệu, niềm tin cho một Bệnh viện đa khoa tuyến huyện miền núi.

Bác sỹ Phạm Thái Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chia sẻ, bệnh viện nằm ở địa bàn miền núi nên còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu thốn về nhân lực nhưng khi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đội ngũ cán bộ y bác sỹ tại bệnh viện đã luôn quyết tâm, nêu cao tinh thần sẵn sàng vào nơi nguy hiểm, không quản khó khăn cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh phát huy tinh thần lương y như từ mẫu để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân COVID-19 và điều trị khỏi cho cả 2 bệnh nhân. Đây là niềm tự hào và là động lực rất lớn để các y bác sỹ tiếp tục cống hiến, nỗ lực góp một phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận điều trị cho 13 bệnh nhân COVID-19, trong đó, Bệnh viện Đa kkoa tỉnh Ninh Bình điều trị 10 ca, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan điều trị 2 ca và Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn điều trị 1 ca.

Đến thời điểm này, 13/13 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện và chưa có ca nào thông báo dương tính trở lại sau khi điều trị. Có thể nói đây là thành công rất lớn trong việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Ninh Bình. Có được thành công này, tất cả tập thể y bác sỹ của các bệnh viện cũng đã làm theo đúng phác đồ của Bộ Y tế bao gồm điều trị các triệu chứng, điều trị tăng sức đề kháng của người bệnh, điều trị thuốc diệt virus và thường xuyên cập nhật thông tin trên hệ thống báo cáo trực tuyến của Bộ Y tế.

Có những ca bệnh khó, ngành Y tế tỉnh đã mời hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để trao đổi thêm thông tin và các phương hướng điều trị tiếp theo. Với ca bệnh dài ngày nhất là 42 ngày đã được xuất viện trong thời gian qua. Đây là niềm vui không chỉ của ngành Y tế tỉnh mà còn là niềm tự hào và là động lực để ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục