Điệu Tuồng cổ trên làng chài xứ Nẫu

09:18' - 18/03/2019
BNEWS Mới đây, người dân huyện ven biển Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đón nhận tin vui Đoàn nghệ thuật Tuồng của huyện Hoài Nhơn chính thức đi vào hoạt động.

Sau nhiều thăng trầm, môn nghệ thuật đặc sắc này lại vang lên trên các làng chài của huyện, giúp ngư dân thư giãn sau những chuyến vươn khơi.

Đoàn nghệ thuật Tuồng của huyện Hoài Nhơn chính thức đi vào hoạt động. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Đoàn nghệ thuật Tuồng của huyện Hoài Nhơn đã có các buổi diễn ra mắt nhân dân. Khi mặt trời khuất hẳn, trời dần tối cũng là lúc ánh đèn sân khấu Tuồng sáng lên ở khoảng sân rộng khoảng 1.000 m2 trước đền thờ Danh nhân Đào Duy Từ (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn). Một sân khấu rộng khoảng 12 mét vuông được trang trí bắt mắt.

Người già, người trẻ cùng nhau ra xem Tuồng. Tiếng gọi nhau, tiếng trẻ nhỏ chơi đùa, tiếng trống chầu vang một góc làng quê yên bình.

Trên sân khấu, những người buổi sáng còn ra đồng cày ruộng, chăn trâu, buổi tối đã hóa thân thành một sơn tướng dũng mãnh, một ông vua quyền lực hay một nàng công chúa kiêu sa.

Tuy là những nghệ sỹ không chuyên nhưng những cái trợn mắt, những động tác tay dứt khoát hay động tác chân linh hoạt không thua gì các nghệ nhân Tuồng nổi tiếng. Mặc dù liên tục hát và múa suốt hàng tiếng đồng hồ nhưng các nghệ sỹ rất nhập tâm và thể hiện vai diễn không chút mỏi mệt.

Ở dưới, khán giả chăm chú theo dõi, thỉnh thoảng lại vỗ tay cổ vũ, đánh trống chầu đầy phấn khích khi các nghệ sỹ diễn hay. Khán giả đến mỗi lúc một đông, đứng chen nhau xem Tuồng, không khí vui như một ngày hội.

Biết Đoàn Tuồng của huyện lần đầu tiên biểu diễn ra mắt, anh Trần Văn Tho, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn đã đến rất sớm và nhận nhiệm vụ đánh trống chầu để cổ vũ cho đoàn.

Anh Tho vui mừng: Từ nay, huyện có Đoàn Tuồng riêng, chúng tôi -những người yêu nghệ thuật Tuồng không phải đi xa mới được coi Tuồng nữa.

Ở vùng quê như vậy, các chương trình giải trí như thế này rất ý nghĩa, giúp cho người dân quên đi những mệt nhọc trong đời sống; đồng thời cũng giúp giới trẻ không quên đi các giá trị truyền thống và có thể hiểu được lịch sử của cha ông.

Huyện Hoài Nhơn được coi là cái nôi của nghệ thuật Tuồng trong tỉnh Bình Định. Năm xưa, danh nhân Đào Duy Từ từ miền Bắc vào tới vùng này đã mang theo nghệ thuật hát Bội (Tuồng) và truyền dạy cho nhân dân.

Từ đó, ngư dân các làng chài ven biển của xứ dừa Hoài Nhơn đã đam mê nghệ thuật Tuồng, dần hình thành các đoàn Tuồng nhỏ lẻ cấp thôn, cấp xã để biểu diễn mỗi dịp lễ hội.

Đến năm 2005, ông Phạm Văn Thao (nghệ nhân Hoàng Thao) ở xã Hoài Thanh mới tập hợp được những người đam mê và có năng khiếu hát Tuồng thành lập Đoàn Tuồng Trường An 1 đi biểu diễn ở các xã biển trong dịp lễ hội Cầu Ngư của địa phương.

Năm 2012, nghệ nhân Hoàng Thao qua đời, từ đó Đoàn Tuồng dừng hoạt động, các đào, kép lần lượt đi tìm hướng mưu sinh.

Đến tháng 11/2018, UBND huyện Hoài Nhơn chính thức thành lập Đoàn nghệ thuật Tuồng Hoài Nhơn, trực thuộc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện với nòng cốt là các diễn viên của Đoàn Tuồng Trường An 1 trước đây.

Là những nghệ sỹ không chuyên nhưng những cái trợn mắt, những động tác tay dứt khoát hay động tác chân linh hoạt không thua gì các nghệ nhân Tuồng nổi tiếng. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Đoàn được thành lập để phục vụ các lăng vạn ở các xã biển cũng như các nhiệm vụ tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ cho nhân dân.

Việc thành lập Đoàn Tuồng Hoài Nhơn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn hóa của nhân dân vùng ven biển nói riêng, góp phần bảo tồn và phát huy những nét di sản văn hóa độc đáo của dân tộc nói chung.

Có lẽ cụ Đào Duy Nhơn là người mừng nhất khi huyện thành lập Đoàn Tuồng Hoài Nhơn. Cụ Đào Duy Nhơn, 80 tuổi, hậu duệ đời thứ 14 của danh nhân Đào Duy Từ, hiện đang trông coi Di tích đền thờ Đào Duy Từ và cũng là một người nghiên cứu chuyên sâu về môn nghệ thuật Tuồng – hát Bội này.

Cụ Nhơn phấn khởi: "Nay huyện cho thành lập đoàn Tuồng, tôi thấy vui mừng quá đỗi. Vậy là từ nay môn nghệ thuật truyền thống từ thời cụ tổ của tôi lại được vang lên trên mảnh đất ven biển này. Các con cháu tôi cũng có cơ hội được tận mắt cảm nhận nghệ thuật đặc sắc của cha ông".

Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin -Thể thao huyện Hoài Nhơn, đơn vị quản lý trực tiếp Đoàn Tuồng cho biết: Đoàn Tuồng Hoài Nhơn hiện có 17 thành viên, gồm các nghệ nhân không chuyên đến từ khắp các xã trong huyện.

Do mới thành lập, nguồn thu nhập của các nghệ sỹ chỉ được trích từ tiền ủng hộ tùy tâm của các khán giả trong các buổi diễn.

Huyện mong các cấp chính quyền sẽ hỗ trợ một khoản tiền cố định hàng tháng để giúp Đoàn hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp và lâu dài.

Về vấn đề này, theo ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, trước mắt, huyện sẽ chỉ đạo các xã trong huyện luân phiên mời đoàn Tuồng của huyện biểu diễn trong những dịp lễ hội, ngày kỷ niệm để tạo nguồn thu thường xuyên cho đoàn.

“Về lâu dài, UBND huyện sẽ thu hút các nguồn tài trợ xã hội hóa, tích cực giới thiệu Đoàn Tuồng của huyện biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh. Mong muốn của chúng tôi là lập ra một Đoàn Tuồng chuyên nghiệp, nâng cao đời sống cho các nghệ sỹ để hoạt động lâu dài, cống hiến những buổi biểu diễn đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao cho nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục