Xuân Hồng – nhạc sĩ của mùa xuân

17:09' - 07/02/2019
BNEWS Xuân Hồng - người con ưu tú của Nam Bộ, một trong những nghệ sĩ tài danh của cách mạng Việt Nam - được người yêu nhạc gọi là “nhạc sĩ của mùa Xuân”.

Gọi ông như vậy, không chỉ bởi tên ông là Xuân Hồng mà còn vì những sáng tác rất đặc sắc của ông về mùa xuân như “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Mùa xuân bên cửa sổ”...

* Người nhạc sĩ, chiến sĩ Xuân Hồng

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh ngày 12-12-1928, tại Châu Thành, Tây Ninh. Ra đời trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử nên ông được học nhạc từ rất sớm. Ông tham gia kháng chiến rất sớm, khi chưa đầy 18 tuổi.

Cũng giống như nhiều nhạc sỹ khác, nhạc sỹ Xuân Hồng không được đào tạo qua một trường lớp âm nhạc chính quy nào nhưng bù lại, thực tiễn đấu tranh cách mạng đã nuôi dưỡng, bồi đắp và phát triển tài năng âm nhạc vốn được ươm mầm từ lâu trong ông.

Với tình cảm tha thiết, mang đậm màu sắc dân ca Việt Nam, các sáng tác của Xuân Hồng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã trở thành nguồn động viên to lớn cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

Từ những lời ca tươi vui, thánh thót của Xuân chiến khu cho đến nhịp chày khua “cắc cùm cum” rộn rã để gửi gạo ra mặt trận cho bộ đội trong Tiếng chày trên sóc Bom Bo, tất cả như lời động viên kịp thời với các chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh để các anh vững bước hành quân giữa mưa rừng và dũng cảm xông pha nơi trận tuyến.

Có thể thấy rất rõ những bài hát của Xuân Hồng - đặc biệt là những bài ra đời trước năm 1975 - đã là bản sao chụp hiện thực cuộc sống, đời sống các chiến sĩ giải phóng.

Nói ông là người thư ký của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng chẳng sai, bởi chính ông là người đã ghi chép sinh động bối cảnh xã hội bằng âm nhạc.

Trên cái nền khói lửa mịt mùng, bom đạn gầm rú, tính mạng các chiến sĩ luôn cận kề với cái chết nhưng vẫn có thể vút lên những âm điệu đầy hào sảng và lạc quan.

* Nhạc sĩ của mùa xuân

Ông là tác giả của rất nhiều bài hát nổi tiếng như: Bài ca may áo, Chiếc khăn tay, Hành quân đêm, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Cây đàn ghita của Đại đội 3, Người Mẹ Việt Nam...

Tuy nhiên, viết về mùa xuân, có lẽ Xuân Hồng là nhạc sĩ có nhiều thành công nhất, ông có nhiều bài hát làm say đắm lòng người như Xuân chiến khu (1963), Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh (1975), Mùa Xuân bên cửa sổ (1985 - thơ Song Hảo), Bức ảnh mùa Xuân (1988), Khúc Xuân (1995 - thơ Ngân Thương), Gương mặt mùa Xuân (1996 - trích thơ Trương Vũ Thiên An)...

Đặc biệt, với ba bài hát về mùa xuân: Xuân chiến khu, Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh và Mùa Xuân bên cửa sổ, ra đời trong ba không gian, thời gian khác nhau, bối cảnh khác nhau nhưng toát lên một điểm chung rất nổi bật đó là tính chất lãng mạn hòa nhập vào tinh thần lạc quan cách mạng.

Qua các tác phẩm của ông, ta thấy, dù bất cứ hoàn cảnh nào thì mùa xuân vẫn mang đầy đủ ý nghĩa nguyên sơ của nó.

Vì mùa xuân là biểu tượng của sự sinh tồn, là niềm tin, tình yêu và sức mạnh của con người trong mọi thời đại. Mùa xuân cũng chính là sự khởi đầu của vạn vật.

Khi chính quyền Mỹ - Diệm lê máy chém khắp miền Nam, gieo bao đau thương cho đồng bào ta từ thành thị đến nông thôn.

Trong bối cảnh thương đau ấy, tưởng chừng như không có một mầm sống nào có thể mọc lên được thì từ chiến khu miền Đông Nam Bộ, mùa xuân năm 1963, Xuân Hồng đã cho ra đời bài hát Xuân chiến khu.

Với chất liệu âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc, vừa phản ánh chân thật cuộc sống gian lao mà anh dũng của chiến sĩ giải phóng và nhân dân miền Nam, vừa gửi gắm niềm tin vào một mùa xuân chiến thắng.

“Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu…”, chính niềm lạc quan, tin tưởng đó đã góp phần động viên hàng vạn trái tim nhiệt huyết miền Bắc lên đường tòng quân giệt thù, để rồi, cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 vang dội núi sông, chấn động địa cầu!

Và, như một cuộc hẹn lịch sử, trong niềm hân hoan Đại thắng mùa xuân năm 1975, Xuân Hồng nhanh chóng cho ra đời bài hát Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh đầy ấn tượng. Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được Xuân Hồng cất lên từ “Xuân chiến khu”: “Mai này xuân về hoa nở khắp nhà đã trở thành hiện thực! Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời.

Đó không chỉ là ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mà còn là ý nghĩa nghệ thuật được tỏa sáng trong từng lời ca, giai điệu của bài hát!

10 năm sau Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, năm 1985, xuất phát cảm hứng từ một bài thơ Bên cửa sổ của nhà thơ Song Hảo, Xuân Hồng lại viết tiếp về mùa xuân chan chứa tình đời - Mùa xuân bên cửa sổ.

Khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoàn cảnh mới, Xuân Hồng đã mở rộng tầm nhìn và mở rộng nguồn cảm hứng để viết lên bài hát Mùa xuân bên cửa sổ say đắm lòng người.

Có lẽ đây là bài hát lãng mạn đầu tiên Xuân Hồng đã mạnh dạn đưa nụ hôn vào trong tác phẩm của mình một cách ngọt ngào, quyến rũ.

Nụ hôn là biểu hiện của tình yêu và đồng nghĩa với mùa xuân, mùa xuân của cỏ cây hoa trái và mùa xuân trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta.

Xuân kháng chiến, xuân thống nhất non sông và xuân xây dựng là những điểm nhấn trong hàng loạt tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Hồng. Và với những mùa xuân ấy, ông đã được người yêu nhạc trìu mến gọi là Nhạc sĩ của mùa xuân.

Ngày 14-5-1996, nhạc sĩ Xuân Hồng đã đi về cõi vĩnh hằng. Ông ra đi nhưng những ca khúc của ông vẫn sống mãi, nó vượt ra khỏi khuôn khổ âm nhạc thuần túy để đến với mọi người, và ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của nhiều thế hệ.

Với tài năng và sự cống hiến lớn cho nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà, năm 2000, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trong các tác phẩm nằm trong Giải thưởng, có hai tác phẩm viết về mùa xuân, đó là Xuân chiến khu và Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục