Định hướng phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng

21:31' - 22/04/2025
BNEWS Chiều 22/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức hội thảo nhằm tìm ra định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đường thủy.
"Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp" là chủ đề hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức chiều 22/4. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp đầu tư trên cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận 3 nhóm nội dung chính: Cơ sở khoa học, lý luận về phát triển du lịch đường thủy và kinh nghiệm trong nước, quốc tế; thực trạng tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng; các giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Hải Phòng.

Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng mong muốn các đại biểu bằng kiến thức, kinh nghiệm làm sáng tỏ những vấn đề trên, góp phần phát triển du lịch đường sông ở Hải Phòng, hướng đến trong một vài năm tới, các dòng sông của thành phố sẽ tấp nập “trên bến dưới thuyền”, trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực, đặc sắc và hấp dẫn du khách.

 
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất miền Bắc, bao quanh từng khu phố, xóm làng. Bởi vậy, Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hải Phòng có hơn 50 sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng nhất là: sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình.

Những dòng sông ở Hải Phòng từ lâu đã trở thành những “chứng nhân” của lịch sử. Từ ngàn xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông Cấm để khai hoang, lập trang An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay. Bạch Đằng Giang là dòng sông huyền thoại, linh thiêng và hào hùng vào bậc nhất Việt Nam, nơi gắn liền với 3 trận đại chiến lừng lẫy. Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Hải Phòng vẫn chưa phát triển. Hiện nay, chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát. Từ thực trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chia sẻ giải pháp phát triển du lịch, du lịch đường thủy Hải Phòng giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, thành phố nhanh chóng bổ sung và tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian đô thị (đặc biệt sau khi thực hiện việc sáp nhập cấp tỉnh) nhằm mở rông không gian và dư địa mới, cũng như khai thác tốt tiềm năng, lợi thế (trong đó có du lịch và du lịch đường thủy); xây dựng quy hoạch chi tiết cho các tuyến du lịch đường thủy, xác định các điểm dừng chân, bến tàu và khu vực dịch vụ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đan Đức Hiệp cho rằng, thành phố cần đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy; xây dựng và phê duyệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, du lịch đường thủy; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, gắn với đường thủy; đẩy mạnh quảng bá và tiếp thị với du lịch, du lịch đường thủy; tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, gắn với phát triển trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng...

Sáng cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức Đoàn khảo sát tuyến du lịch cảnh quan dọc sông Cấm - sông Đá Bạc (Bạch Đằng Giang) - sông Ruột Lợn với các bến: Cảng Hồng Bàng - Cảng Hoàng Diệu - Bến du thuyền Vũ Yên, nhằm đánh giá các điểm nổi bật của tuyến cảnh quan hành lang sông, sông - biển, địa điểm dự kiến xây dựng các bến tàu đón trả khách, điểm tham quan trải nghiệm, điểm "check in" cho du khách, đánh giá mức độ hấp dẫn, an toàn cho du khách...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục