Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

14:35' - 07/04/2023
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các địa phương, hợp tác xã phấn đấu cuối năm 2023 cơ bản có nền tảng dữ liệu chuyển đổi số nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng 7/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị “Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

 

Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng, vai trò của hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề ra các định hướng, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững trong vùng những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành, các doanh nghiệp, hợp tác xã trình bày tham luận về những khó khăn, hạn chế đang gặp phải, những yêu cầu đặt ra để phát triển vùng nguyên liệu gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp; thực trạng và kết quả triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hợp tác xã nông nghiệp và người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, chỉ khi có hợp tác xã bền vững thì mới vượt qua tình trạng của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; hướng đến chuỗi ngành hàng, tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi; hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Khi đó, thu nhập của nông dân được tăng thêm nhờ lợi thế quy mô; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tối đa hóa giá trị tích hợp từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang cùng các địa phương trong vùng thực hiện chuyển đổi số, số hóa các hợp tác xã, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã vùng nuôi, phấn đấu cuối năm 2023 cơ bản có nền tảng dữ liệu chuyển đổi số nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế các gói tín dụng riêng cho hợp tác xã ở vùng nằm trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng quan với hợp tác xã từ nhận thức đến hành động; lấy người dân làm trung tâm, truyền thông nâng cao nhận thức của cả xã hội về hợp tác xã bắt đầu từ trong hệ thống chính trị.

Các trường chính trị địa phương cần đưa hợp tác xã vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ các cấp theo Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuẩn bị đề cương, giáo trình tập huấn cho giảng viên các trường chính trị trong vùng. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cùng xây dựng đối tác đồng đẳng với các hợp tác xã vì chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Đức Thịnh Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa hợp tác xã với doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã trở lên khá phổ biến.

Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để tổ chức các hành động tập thể giữa các hộ nông dân thành viên cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. Hợp tác xã còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ hợp tác xã, thiếu cán bộ kỹ thuật. Hoạt động của hợp tác xã chưa đáp ứng tốt nhu cầu thành viên.

Các hợp tác xã khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp như: tín dụng,  khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh, trong khi nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ hợp tác xã còn hạn chế, nhất là hỗ trợ để đầu tư máy móc, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao.

Sự hỗ trợ của nhà nước cho hợp tác xã trong quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã từ tỉnh đến cơ sở thiếu và yếu. Thiếu đội ngũ chuyên gia có năng lực để tư vấn cho các hợp tác xã.

Hết năm 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 2.615 hợp tác xã nông nghiệp và 20 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn quốc. Đây là vùng có tỷ lệ hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục