Đỉnh lũ năm 2024 ở Đồng Tháp sẽ ở mức cao hơn năm 2023

12:25' - 19/09/2024
BNEWS Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp nhận định, đỉnh lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh sẽ ở mức cao hơn năm 2023 khoảng từ 0,1m đến 0,4m.

Trong đó, khu vực đầu nguồn cao hơn khoảng 0,4m; khu vực nội đồng Tháp Mười cao hơn khoảng 0,3m; khu vực phía Nam của tỉnh cao hơn khoảng 0,1m.

 

Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong khoảng 5 ngày vừa qua, do ảnh hưởng kết hợp của kỳ triều cường tháng 8 âm lịch và lũ thượng nguồn, mực nước tại khu vực phía Nam của tỉnh (thành phố Sa Đéc và các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành) đã lên nhanh, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,2m. Dự báo 10 ngày tới, mực nước tại khu vực phía Nam của tỉnh tiếp tục lên và đạt đỉnh triều cường vào ngày 20 - 21/9/2024, sau đó biến đổi chậm và xuống dần.

Dự báo, mực nước đỉnh triều cao nhất tại khu vực phía Nam của tỉnh Đồng Tháp xuất hiện trong khoảng thời gian từ 5 - 8 giờ sáng và từ 17 - 19 giờ chiều hàng ngày. Tình hình triều cường cao ở mức báo động 3; kết hợp mưa to tại chỗ trong những ngày tới sẽ gây nguy hiểm các vùng đê bao trồng cây ăn quả, gây ngập úng những vùng không có đê bao, vùng đê bao thấp, vùng đô thị… ở khu vực phía Nam của tỉnh.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp dự báo tình hình thủy văn 10 ngày cuối tháng 9/2024: Mực nước tại khu vực đầu nguồn của tỉnh sẽ tiếp tục lên dần và đạt đỉnh triều đợt này vào khoảng ngày 21 - 23/9, sau đó biến đổi chậm. Mực nước khu vực nội đồng Tháp Mười của tỉnh lên dần đến ngày 23 - 25/9 với cường suất trung bình khoảng từ 4 - 7 cm/ngày, sau đó biến đổi chậm. Mực nước khu vực phía Nam của tỉnh đạt đỉnh triều đợt này ở mức báo động cấp 3 vào ngày 20- 21/9 rồi xuống chậm. Dự báo mực nước cao nhất trong 10 ngày cuối tháng 9/2024 tại Hồng Ngự, Trường Xuân cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 lần lượt 18cm và 9cm.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão số 4 và đổ bộ vào khu vực miền Trung. Cơn bão này có khả năng gây một đợt mưa, lũ trên khu vực trung lưu sông Mê Kông. Mực nước tại các nơi trong tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục lên dần do chịu ảnh hưởng kết hợp của triều cường và lũ thượng nguồn. Tại Đồng Tháp, mực nước đạt đỉnh cao nhất năm 2024 trong khoảng giữa và cuối tháng 10.

Ông Khương Lê Bình cho hay, năm nay, đỉnh lũ cao nhất tại khu vực đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, đạt mức báo động cấp 1, đỉnh lũ tại trạm Hồng Ngự ở mức 3,5m. Đỉnh lũ cao nhất tại khu vực nội đồng Tháp Mười có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 10 và ở mức báo động cấp 2 đến cấp 3, mực nước cao nhất năm tại Trường Xuân ở mức 2,3m. Còn đỉnh triều cao nhất tại khu vực phía Nam của tỉnh có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10 và giữa tháng 11/2024 (vào kỳ triều cường giữa tháng 9 và tháng 10 âm lịch), ở mức cao hơn báo động cấp 3 khoảng từ 0,1 - 0,2m, mực nước cao nhất năm tại Cao Lãnh là 2,45 - 2,55m.

Trước tình hình dự báo nói trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và triều cường; kịp thời thông tin, cảnh báo để các đơn vị, địa phương và người dân nắm, chủ động ứng phó.

Ông Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự phân tích, đánh giá từ dữ liệu dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, khẩn trương cập nhật thông tin cảnh báo thiên tai (mưa, lũ, sạt lở…) lên nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp, phục vụ cho công tác quản lý cũng như truy cập thông tin về thiên tai đối với tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường vận động người dân xả lũ vào đồng ruộng sau khi thu hoạch để vừa tháo chua rửa phèn, đón phù sa, tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa mang theo nguồn lợi thủy sản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục