Động lực chính kéo dài đà tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ

16:35' - 11/02/2025
BNEWS Sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam sẽ là động lực chính kéo dài đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025.

Cùng đó, giá cước vận chuyển giảm kết hợp với nhu cầu tăng cao dự kiến sẽ giúp cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo chuyên gia Võ Đức Anh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện thêm 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025, qua đó lãi suất cho vay mua nhà 30 năm tại Mỹ sẽ hạ nhiệt, góp phần phục hồi thị trường nhà ở, giúp sản lượng tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

“Không chỉ vậy, chúng tôi kỳ vọng các chính sách thuế của nhiệm kỳ tổng thống mới về trung và dài hạn sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam giành thêm thị phần từ xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng tại Mỹ”, ông Võ Đức Anh nhìn nhận.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tiêu thụ gỗ tại một số thị trường như Trung Quốc và EU sẽ ảm đạm hơn do triển vọng vĩ mô còn gặp nhiều thách thức.

Với việc nền kinh tế tại hai thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam là Trung Quốc và EU được dự báo sẽ còn đối mặt nhiều thách thức trong năm 2025, MBS đánh giá sức mua của người dân tại hai thị trường này sẽ suy giảm, qua đó khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu; trong đó bao gồm đồ nội thất gỗ tại hai thị trường trên sẽ ảm đạm hơn năm 2024.

Tuy nhiên, ông Võ Đức Anh nhìn nhận, giá cước vận chuyển giảm hỗ trợ cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Việc giá cước vận tải hạ nhiệt sẽ giúp giảm bớt áp lực lên giá bán và cải thiện doanh thu.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình như một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Việt Nam là một trong năm quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới. Theo Tổng cục Hải quan, ước tính trong quý IV/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý III/2024 và tăng 17,3% so với quý IV/2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với quý III/2024 và tăng 17,4% so với quý IV/2023.

Tính chung trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.

Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD.

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 là tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ; trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.

Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) nhìn nhận, năm 2025 sẽ “thuận buồm xuôi gió” với doanh nghiệp ngành gỗ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ngành trong năm 2025 dự báo đạt 18,3 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2024.

Động lực tăng trưởng đến từ hai yếu tố, bao gồm: Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên thế giới khi lạm phát đang được kiểm soát tốt; xu hướng dịch chuyển đơn hàng gia công gỗ sang Việt Nam dự báo diễn ra mạnh mẽ. Điểm rơi tăng trưởng kim ngạch của ngành dự báo là quý II và quý III/2025.

Do ngành chủ yếu xuất FOB (người bán hàng hoàn thành trách nhiệm khi hàng đã được xếp lên boong tàu tại cảng xếp) với các đơn đặt hàng chế biến gỗ, biến động từ giá cước vận tải có tác động không lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Yếu tố chính có tác động tới chi phi sản xuất chế biến sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp là chi phí gỗ nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả thu mua nội địa và từ nhập khẩu.

Đối với nguồn gỗ nội địa, FPTS kỳ vọng giá bán sẽ ít có biến động trong năm 2025, khi nguồn cung gỗ từ rừng trồng tương đối ổn định qua các năm với các chủng loại được sử dụng chính là keo, tràm, xoan và cao su.

So với quá khứ, hiện nay diện tích rừng trồng đạt chuẩn FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu) tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của châu Âu và Mỹ đã đạt khoảng 300.000 ha; tương đương khoảng 65% tổng diện tích rừng trồng trong nước.

Đối với nguồn gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu do tính đa dạng của nguồn gỗ nội địa chưa cao, đặc biệt là các loại gỗ ưa thích sử dụng chỉ định tại các đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ như gỗ thông, tần bì, dương và gỗ sồi.

Năm 2025, MBS dự báo giá gỗ nguyên liệu dao động từ 330 - 350 USD/m3; tăng trưởng trung bình khoảng 4,1% so với năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn đơn giá trung bình gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong năm 2023.

FPTS nhận định, tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2025 của nhóm doanh nghiệp niêm yết đại diện cho ngành (bao gồm PTB, SAV, NHT, GDT và VIF dự báo đạt 1.149 tỷ đồng, tăng tới 22,3% so với năm 2024). Tổng doanh thu thuần nhóm doanh nghiệp năm 2025 dự báo đạt 10.584 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024. Số lượng đơn đặt hàng chế biến gỗ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 và đơn giá trung bình cải thiện từ tỷ trọng mặt hàng HS94 trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục