Doanh nghiệp bức xúc khi người bán hàng giả vẫn được cấp giấy phép kinh doanh

11:23' - 10/11/2017
BNEWS Hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể triệt để để loại trừ hoàn toàn.
Lượng lớn hàng giả bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: TTXVN

Sáng 10/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Công an nhân dân phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp”.

Đại diện các cơ quan quản lý, các đơn vị tham gia đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp...đã tới tham dự.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn chia sẻ: Cơ quan cấp phép kinh doanh, cấp chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn hợp quy cho doanh nghiệp chưa làm tốt việc kiểm tra nguồn gốc hành hoá.

Có tình trạng các doanh nghiệp sản xuất hàng nhái các thương hiệu khác, hành vi phạm quyển sở hữu trí tuệ vẫn được cấp phép kinh doanh, vẫn ngang nhiên buôn bán những hàng hoá nhái thương hiệu trên thị trường.

Hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể triệt để để loại trừ hoàn toàn. Các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ.

Đại diện Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi cho biết, việc hàng hoá giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp, không chỉ đo đếm bằng tiền. Thời gian qua Công ty đã tốn nhiều thời gian, công sức theo đuổi các vụ kiện những đối tượng làm giả sản phẩm ở cả trong và ngoài nước.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi kiến nghị sau khi doanh nghiệp lên tiếng “kêu cứu” giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp thì mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương hơn nhằm giảm thời gian thụ lý, giải quyết vụ, sớm trả lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ để nếu sản phẩm bị làm giả, làm nhái mới được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ.

Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là chỉ của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Theo Luật sư Đỗ Hải Bình, những doanh nghiệp làm ăn chân chính nếu bị vi phạm bản quyền cần phải đi tới tận cùng vấn đề, kiên trì theo đuổi chứ không nên e ngại thì pháp luật mới được thực thi một cách nghiêm minh, tạo tính răn đe cho xã hội.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Đã kết thúc điều tra trinh sát 94 vụ, 106 đối tượng; đã khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng; xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng./.

>>> Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục