Doanh nghiệp châu Âu phàn nàn về điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc

14:33' - 18/09/2018
BNEWS Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài không thể cạnh tranh bình đẳng tại Trung Quốc do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị kẹt trong thế "thâm hụt cải cách".
Sản phẩm nhôm hợp kim xuất khẩu tại một nhà máy ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 18/9, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết  trái với mức thặng dư thương mại khổng lồ mà Trung Quốc đã đạt được trong nhiều năm qua, các cam kết từ phía Bắc Kinh hướng tới năm bản lề về cải cách và tự do hóa đang diễn tiến quá chậm chạp.

Báo cáo dài 394 trang mô tả những vấn đề mà doanh nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt tại Trung Quốc và đại diện cho ý kiến của khoảng 1.600 doanh nghiệp châu Âu.

Theo Phòng Thương mại châu Âu, họ nhận được lời khẳng định rõ ràng từ các công ty thành viên về việc không được cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc.

Các công ty châu Âu phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, bao gồm đặc quyền mà các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc được nhận, rào cản tiếp cận thị trường và tình trạng quan liêu trong cơ quan chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và áp lực buộc phải chuyển giao công nghệ.

Khảo sát cũng cho thấy, việc siết chặt kiểm soát Internet tại Trung Quốc cũng được coi là "cơn đau đầu" với hơn một nửa doanh nghiệp châu Âu.

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 tuyên bố sẽ áp hàng rào thuế quan mới trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ 24/9.

Các quan chức và doanh nghiệp châu Âu cũng chia sẻ nhiều mối quan ngại với Washington, song họ không theo đuổi hàng rào thuế quan mạnh mẽ như cách mà Tổng thống Trump thực hiện.

Trước đó, Bắc Kinh đã cam kết năm 2018 sẽ là năm bản lề để thực thi các cải cách hơn nữa, nhân kỷ niệm 40 năm nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình triển khai cải cách và chính sách mở cửa nền kinh tế./.

>>>Mỹ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục