Doanh nghiệp chuẩn bị kịch bản kinh doanh “sống chung” với dịch COVID-19

09:20' - 07/05/2021
BNEWS Trước phức tạp của dịch COVID-19, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương được chuyên gia dự báo cần phải chuẩn bị kịch bản kinh doanh chấp nhận “sống chung” với dịch.

Việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh là rất cần thiết và yêu cầu doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để duy trì ổn định sản xuất.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều yếu tố khó dự báo do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những thách thức ảnh hưởng đến phát triển phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương là rất lớn.

Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành Hiệp hội dệt may Bình Dương đang nắm bắt chủ động về giao dịch qua kênh thương mại điện tử nhằm không để thiếu hụt đơn hàng và duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp hiện nay do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, do đó về chi phí trong lĩnh vực logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn.

Thậm chí có nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể chủ động được kế hoạch vì nhiều vướng mắc khách quan chung.

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa qua tại Hội nghị đánh giá về kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu triển khai công tác phòng, chống dịch nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế; trong đó giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phân luồng gaio thông đường bộ để hàng hóa của các doanh nghiệp không bị ách tắt trên đường xuống cảng biển xuất khẩu.

Đồng thời, thời gian tới tỉnh luôn đồng hành chủ động phối hợp về xúc tiến, hỗ trợ giao thương giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Bình Dương.

Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng dịch COVID-19, lĩnh vực kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương tiếp tục bứt phá trở thành điểm sáng về kinh tế của Bình Dương trong 4 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt  trên 11 tỷ USD, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực nhập khẩu cũng đạt trên 7,8 tỷ USD,tăng trên 20%; qua đó góp phần vào thặng dư thương mại đạt cán mốc 3 tỷ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao đánh giá, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19, các ngành, lĩnh vực kinh tế của bốn tháng đầu năm 2021 tiếp tục hồi phục, tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực, nhất là trong lĩnh vực kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trong những tháng qua, góp phần gia tăng thặng dư thương mại.

Báo cáo của Sở Công Thương Bình Dương cho hay, sản xuất công nghiệp của tỉnh trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục sự khởi sắc, nhiều lĩnh vực sản xuất phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng trở lại.

Cụ thể, chỉ  tính riêng số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 của tỉnh ước tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Với việc triển khai quyết liệt, kịp thời các nhóm giải pháp của Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành hàng duy trì và sớm phục hồi hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Theo Sở Công Thương Bình Dương, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương sản phẩm gỗ, dệt may, các mặt hàng điện tử đều tăng ở mức cao.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành hàng sản xuất đồ gỗ đều lấp kín đơn hàng trong năm 2021. Đây là tín hiệu cực tốt góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục