Doanh nghiệp có gặp khó bởi thuế carbon?
Ngày 1/10, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp. Là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, điều này đang tạo ra áp lực với doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu vào EU.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU chính thức áp dụng từ ngày 1/10/2023 và thực hiện thí điểm trong 3 năm để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU làm quen. Do đó, trong giai đoạn này hàng hóa xuất khẩu vào EU phải nộp báo cáo phát thải. Sau giai đoạn chuyển tiếp, CBAM sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.
Trong khoảng thời gian này, CBAM sẽ dần được áp dụng song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí trong Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU-ETS). Vì vậy, CBAM sẽ chỉ áp dụng đối với tỷ lệ phát thải không được hưởng lợi từ hạn ngạch miễn phí của ETS trong giai đoạn 2026 - 2034.
Đáng lưu ý, vào cuối giai đoạn chuyển đổi của cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể “phát thải gián tiếp” như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.
Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.
Nhà nhập khẩu EU cũng phải khai báo trước ngày 31/5 hàng năm về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu như: thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 1/10/2023.
Như vậy, sản phẩm sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chính thức bị đánh thuế carbon khi xuất khẩu vào EU từ 1/1/2026. Chính vì vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng vừa là yêu cầu mà doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia “cuộc chơi” toàn cầu
Nếu như quá trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam phát thải nhiều hơn quy định của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua thêm hạn ngạch khí thải. Điều này nhằm yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm với môi trường và đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh.
Theo nhận định từ các chuyên gia, CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Theo đề xuất của EU, cách tính phát thải dựa trên phát thải thực tế nên doanh nghiệp phải tự đo đếm được mức phát thải. Tuy nhiên, nếu không xác định được mức phát thải đầy đủ hoặc trong trường hợp phát thải gián tiếp, giá trị mặc định sẽ được sử dụng để xác định phát thải của hàng hóa. Trong trường hợp quốc gia xuất khẩu không có giá trị mặc định, hàng hóa xuất khẩu sẽ bị áp dụng giá trị mặc định dựa trên sản phẩm phát thải lớn của EU.
Bà Nguyễn Hồng Loan - Chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM của EU và đề xuất chính sách thuế carbon cho Việt Nam cho biết, EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm hàng hóa đơn giản là hàng hóa được sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào có mức phát thải bằng không, còn lại là hàng hóa phức tạp. Nếu theo cách tính này, hàng hoá của Việt Nam đa phần sẽ rơi vào mục hàng hoá phức tạp.
Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất sắt thép, nhôm, phân bón, xi măng cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là vụ việc phòng vệ thương mại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó là trong ngắn hạn, còn những đòi hỏi, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Do đó, không còn cách nào khác, doanh nghiệp đang phải xoay xở để thích ứng.
Vừa qua, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050”. Tại sự kiện, Vinamilk được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014.
Theo báo cáo của Vinamilk, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17,560 tấn CO2 (tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh). Đây là kết quả của “hành động kép”, nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk; đồng thời, duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Là doanh nghiệp lớn, với hệ thống nhà máy, trang trại quy mô công nghệ cao và hàng triệu sản phẩm được cung cấp mỗi ngày, Vinamilk đã xây dựng chương trình hành động tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: nông nghiệp bền vững - sản xuất xanh - logistics thân thiện môi trường - tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, Vinamilk công bố cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050. Nhận định từ các chuyên gia, về lâu dài, sản xuất xanh là xu thế chung, tất yếu của thế giới, không chỉ EU mà các thị trường khác cũng sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe… với sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải có định hướng đổi mới sản xuất và quy trình khác để bắt nhịp với xu thế và phát triển ổn định, bền vững trong tương lai./.Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Chuyển đổi từ sản xuất "thép xám" sang "thép xanh"
13:43' - 13/09/2023
Ngày 13/9 tại Hà Nội, Hiệp hội thép Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Ngành thép Việt Nam hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh.
Tin cùng chuyên mục
-
DN cần biết
Cảnh báo rủi ro với xuất khẩu kính nổi sang Hoa Kỳ
18:10' - 25/11/2024
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu kính nổi và sản phẩm liên quan đến kính nổi có lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ với khối lượng lớn hoặc tốc độ gia tăng nhanh.
-
DN cần biết
Điểm tên 3 cầu lớn qua sông Hồng được xây dựng trong giai đoạn tới
07:48' - 24/11/2024
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thống nhất về chủ trương đầu tư 3 cầu lớn qua sông Hồng trong giai đoạn từ năm 2025-2030, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị.
-
DN cần biết
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
19:29' - 23/11/2024
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt.
-
DN cần biết
Ninh Bình gần 100 gian hàng tham dự Triển lãm xúc tiến thương mại năm 2024
22:16' - 22/11/2024
Tối 22/11, tại Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình tổ chức Triển lãm xúc tiến thương mại năm 2024.
-
DN cần biết
Kết luận của Phó Thủ tướng về Hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ Đề án 06
21:28' - 22/11/2024
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 530/TB-VPCP ngày 22/11/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ Đề án 06.
-
DN cần biết
Vietnam Report: Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế
19:20' - 22/11/2024
Ngày 22/11, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe năm 2024.
-
DN cần biết
Câu chuyện doanh nghiệp làm thương hiệu theo hành vi tiêu dùng Việt
18:26' - 22/11/2024
Doanh nghiệp phải làm thương hiệu theo hành vi của người tiêu dùng bằng những hành động thiết thực như đổi mới sáng tạo và giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới đảm bảo phát triển bền vững.
-
DN cần biết
Quy mô kinh tế internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD
15:27' - 21/11/2024
Ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD, tăng 16% với năm 2023. Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.
-
DN cần biết
Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam
14:58' - 21/11/2024
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.