Doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông vượt sóng dịch COVID-19

10:14' - 01/03/2021
BNEWS Đối với ngành công nghệ thông tin và ngành viễn thông, dịch bệnh tạo ra thách thức nhưng cũng đem đến những cơ hội. Doanh nghiệp ngành này đã nhanh nhạy nắm bắt để vươn lên và phát triển bền vững.
Dịch COVID-19 tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế; các doanh nghiệp cũng “chật vật” tìm lối đi riêng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ viễn thông nổi lên như là một điểm sáng. Đối với ngành công nghệ thông tin và ngành viễn thông, dịch bệnh tạo ra thách thức nhưng cũng đem đến những cơ hội. Doanh nghiệp ngành này đã nhanh nhạy nắm bắt để vươn lên và phát triển bền vững.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), dịch COVID-19 đã đẩy nhanh làn sóng chuyển đổi số và đầu tư công nghệ tại nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các công ty công nghệ tiên phong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số.

Năm 2021, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới và cùng đó là sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ.

Xu hướng chuyển đổi số có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi khách hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau dịch COVID-19 như: giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất…

Nhu cầu chuyển đổi số tăng cao của khách hàng trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) và Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán: CMG) được hưởng lợi từ xuất khẩu phần mềm.

Dù dịch COVID-19, nhưng lợi nhuận Công ty cổ phần FPT năm 2020 vẫn tăng trưởng ở mức 2 chữ số. Cụ thể năm 2020, FPT ghi nhận 29.830 tỷ đồng doanh thu và và 5.261 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tương ứng 7,6% và 12,8% so với năm trước.

Lãi ròng sau thuế của FPT tăng 13,1% so với năm 2019 đạt 4.422 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.538 tỷ đồng, tương ứng với lợi nhuận sau thuế của 1 cổ phiếu (EPS) ở mức 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Mảng chuyển đổi số là “điểm sáng” trong cơ cấu doanh thu của FPT khi đóng góp 3.219 tỷ đồng, tăng trưởng 31%, so với năm 2020 nhờ nhu cầu đầu tư chuyển đổi số tăng trưởng mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Đối với mảng công nghệ nói chung, doanh thu ký mới năm 2020 của FPT đạt 13.905 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng gần 29% so với năm trước.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng, các doanh nghiệp nội địa có sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ được ưu tiên trong dự án chuyển đổi số của Chính phủ.

Theo BSC, các gói thầu về công nghệ dự kiến được đẩy mạnh trong năm 2021, nhờ gói thầu từ đầu tư công, gói thầu thường niên về công nghệ. Gói công nghệ thông tin cho 11 tuyến đường sẽ có giá trị tổng cộng là 4.000 tỷ đồng, tập trung vào các dịch vụ như giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động. Ngoài ra, các gói thầu thường niên về công nghệ sẽ được triển khai trở lại trong năm 2021 sau khi bị gián đoạn trong năm 2020.

Đối với ngành viễn thông, thuê bao băng rộng cố định và mạng 5G sẽ là hai yếu tố tăng trưởng đối với các doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 0,3% so với năm 2019.

Thuê bao băng rộng (gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) có mức tăng trưởng ấn tượng. Tính bình quân trong giai đoạn 2016-2020, thuê bao băng rộng cố định tăng trưởng 15%/năm, thuê bao băng rộng di động tăng 22%/năm.

Đến thời điểm tháng 1/2021, cả nước có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tất cả các thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố. Sóng di động hiện đã phủ tới 99,81% dân số; trong đó, vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số.

Về phát triển mạng 5G, việc thử nghiệm cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất, sẵn sàng cho việc triển khai thương mại 5G bằng thiết bị Việt Nam đã thành công.

Dù ngành viễn thông nhìn chung đã bão hòa, BSC cho rằng phân khúc băng rộng cố định vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Mạng 5G kỳ vọng tiếp tục được chú trọng trong năm 2021. Tuy mục tiêu thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam chưa đạt được trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19, nhưng cả ba nhà mạng là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty VinaPhone (VinaPhone) và Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (MobiFone) đều đã triển khai một phần tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

BSC cho rằng, năm 2021 tiếp tục là năm để ba nhà mạng mở rộng mạng 5G hướng tới triển khai toàn quốc Việt Nam.

Thực tế, từ tháng 11/2020, các doanh nghiệp viễn thông đã khẩn trương tiến hàng thử nghiệm mạng 5G để đánh giá trước khi xem xét, triển khai diện rộng mạng 5G thương mại trong năm 2021.

Để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện, tiến hành đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, xây dựng quy hoạch tần số bảo đảm sẵn sàng cho việc triển khai 5G.

Việc triển khai 5G là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ số đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai. 5G cũng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hạ tầng viễn thông, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, BSC nhận định.

Năm 2020, doanh nghiệp viễn thông có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh như chưa từng có dịch COVID-19.

Có thể kể đến doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Năm 2020, tổng doanh thu của tập đoàn đạt hơn 264.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với 2019, đạt 102,4% so với kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt 39.800 tỷ đồng, tăng 4,1%, đạt 103,9% kế hoạch năm...

Tập đoàn này cho biết, dù thị trường đã dần bão hòa, lĩnh vực viễn thông của Viettel vẫn tăng trưởng 6,4%, gấp gần 2 lần trung bình của thế giới.

Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Viettel tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel đạt gần 42.000 tỷ đồng, đóng góp 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - gấp 2 lần so với kế hoạch dự kiến.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng có mức tăng trưởng tích cực. Năm 2020, tổng doanh thu toàn VNPT đạt 162.700 tỷ đồng; trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 43.200 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch. Lợi nhuận của VNPT đạt 7.100 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.100 tỷ đồng, bằng 102,2% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%.

Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và ngành viễn thông đã có một năm kinh doanh đầy “khởi sắc” với doanh thu và lợi nhuận vượt trội mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác phải “ao ước”.

Từ thực tế này, cùng với những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh, giới phân tích đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin và ngành viễn thông trong năm 2021./.

Văn Giáp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục