Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài cuối: Bổ sung, hoàn thiện luật pháp

13:31' - 24/04/2018
BNEWS Để ứng phó, ngăn chặn nhà đầu tư FDI tìm cách lách luật, tẩu tán tài sản sau đó rời khỏi Việt Nam, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung, hoàn thiện luật pháp, nâng cao trách nhiệm quản lý ở địa phương.
Hiện Đồng Nai có tổng số 1.154 doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Ảnh minh họa: TTXVN

Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng sản xuất kinh doanh sẽ ngày một nhiều hơn.

Tình trạng nhà đầu tư FDI kinh doanh thua lỗ, thậm chí có lãi nhưng tìm cách lách luật, tẩu tán tài sản sau đó âm thầm rời khỏi Việt Nam bỏ lại những doanh nghiệp vắng chủ với nợ nần chồng chất sẽ ngày một phức tạp hơn.

Để ứng phó, ngăn chặn, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung, hoàn thiện luật pháp với sự tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm quản lý của địa phương.

*Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp FDI

Theo ông Mai Văn Nhơn - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Luật Đầu tư của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhưng cũng đề ra các quy định chặt chẽ, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, với chủ trương chọn lọc thu hút đầu tư, Đồng Nai có những quy định riêng, không cấp phép cho các doanh nghiệp FDI thiếu tiềm lực, sử dụng công nghệ lạc hậu, ngành nghề sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Lý giải về tình trạng doanh nghiệp vắng chủ, ông Nhơn cho rằng, nguyên nhân là do cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự trao đổi thông tin thường xuyên, phối hợp thiếu chặt chẽ. Ngành thuế và bảo hiểm đều có số liệu quản lý nhưng hoàn toàn độc lập, không thể "chia sẻ".

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai có nhiệm vụ quản lý nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhưng cũng không nắm được những con số khoa học để biết doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào, có vi phạm pháp luật bảo hiểm, thuế hay không.

Bởi vậy, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp FDI (dữ liệu này các ngành có thể truy cập được, dùng chung) cần sớm được thực hiện.

Khi các ngành nắm được thông tin đầy đủ về doanh nghiệp FDI, phát hiện họ đang nợ thuế, bảo hiểm với số tiền lớn thì sẽ lập tức phối hợp giải quyết, ngăn chặn không để chủ doanh nghiệp bỏ trốn - ông Nhơn đề xuất.

Ông Nguyễn Tấn Lợi - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai chia sẻ, việc cấp phép đầu tư đối với doanh nghiệp FDI hiện rất đơn giản, dễ dãi. Sau khi được cấp phép, ngành chức năng không kiểm soát được vốn đầu tư thực tế của doanh nghiệp.

Có những nhà đầu tư mua máy cũ, thuê trang thiết bị, nhà xưởng rồi tiến hành sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nhà nước chưa quản lý chặt người đại diện tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, để họ xuất, nhập cảnh dễ dàng.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra quy định cụ thể, quản lý chặt việc xuất, nhập cảnh với người đại diện doanh nghiệp FDI; bổ sung quy định tỉ lệ phần trăm vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.

Khi có vốn điều lệ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn vẫn sẽ để lại số vốn đó và nhà nước dùng vốn này để xử lý những vấn đề liên quan. Hiện ngành thuế Đồng Nai đang xây dựng đề án tăng cường quản lý doanh nghiệp FDI, phối hợp giữa các ngành để ngăn chặn thất thu thuế.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phạm Minh Thành kiến nghị, để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp FDI nợ bảo hiểm, nợ thuế, lương người lao động rồi bỏ trốn, UBND tỉnh Đồng Nai cần chủ trì, đề ra quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong tỉnh, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành nhằm xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp FDI.

Sắp tới, ngành bảo hiểm Đồng Nai sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra pháp luật bảo hiểm, kể cả thanh kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; cùng Công an Đồng Nai ký kết quy chế phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp liên quan đến bảo hiểm xã hội.

*"Luật hóa" xử lý tài sản doanh nghiệp vắng chủ

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai, lãnh đạo doanh nghiệp FDI bỏ trốn, mất tích không liên lạc được đã xuất hiện từ nhiều năm trước.

Đến nay, luật pháp của Việt Nam vẫn chưa có quy định nào liên quan đến vấn đề này, thậm chí định nghĩa cũng chưa có, cụm từ “doanh nghiệp vắng chủ” là tự đặt ra, không có trong văn bản luật.

Cơ quan Trung ương cần sớm nghiên cứu, bổ sung quy định về doanh nghiệp FDI vắng chủ (khái niệm, thời gian bao lâu được gọi là vắng chủ...), xử lý tài sản và những vấn đề khác vào các luật liên quan.

Bên cạnh đó, ngành hải quan phải kết nối với cơ quan quản lý về tài chính, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bởi chủ doanh nghiệp FDI thường xuyên xuất, nhập cảnh, xuất – nhập hàng hóa, thực hiện giao dịch tiền tệ.

Đây là vấn đề quan trọng nhưng đến nay, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an vẫn chưa có Thông tư liên tịch nhằm đặt ra các quy định phù hợp.

Luật sư Hà nhận định, doanh nghiệp FDI mất tích để lại nợ bảo hiểm khiến công nhân mất quyền lợi là do trước đây chế tài đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội không đủ mạnh.

Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định xử lý hình sự hành vi nợ bảo hiểm xã hội. Đây là điểm mới, ngăn chặn hiệu quả chủ doanh nghiệp bỏ trốn khi chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với người lao động.

Để luật đi vào đời sống, theo Luật sư Hà cơ quan Trung ương cần có những hướng dẫn cụ thể như: giải thích các thuật ngữ quy định trong luật, xem xét tổ chức, cá nhân vi phạm đến đâu thì được coi là lạm dụng, gian lận hay trục lợi để có căn cứ xử lý.

Xử lý hình sự hành vi nợ bảo hiểm là giải pháp cuối cùng. Để tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế mà vẫn thu được nợ, giải pháp khởi kiện ra tòa vẫn mang lại hiệu quả cao nhất.

Để khơi thông điểm nghẽn, Tòa án Nhân dân tối cao cần hướng dẫn, chỉ đạo tòa án nhân dân các cấp tiếp nhận, thụ lý những vụ công đoàn khởi kiện về nợ bảo hiểm xã hội; sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe./.

Xem thêm:

>>>Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài 1: Hàng loạt doanh nghiệp biến mất

>>>Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài 2: Nợ thuế, nợ bảo hiểm không có khả năng thu hồi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục