Doanh nghiệp gỗ chủ động mở rộng biên độ kinh doanh

12:40' - 04/08/2023
BNEWS Bên cạnh các hoạt động liên kết xúc tiến thương mại của hiệp hội ngành hàng, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động mở rộng biên độ kinh doanh, xâm nhập các thị trường tiềm năng mới.

Trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường truyền thống sụt giảm kéo dài, bên cạnh các hoạt động liên kết xúc tiến thương mại của hiệp hội ngành hàng, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động mở rộng biên độ kinh doanh, xâm nhập các thị trường tiềm năng mới, góp phần giải quyết các khó khăn trước mắt và từng bước khẳng định vị thế cho ngành gỗ Việt Nam ở phân khúc cao cấp.

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2023 đạt gần 1,1 tỷ USD; luỹ kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2023 đã vươn lên trên 1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Nửa đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đón nhận những con số không tích cực khi kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 28% so với cùng kỳ, tình trạng thiếu hụt đơn hàng phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ cuối quý II/2023, đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại, dù chưa nhiều, tăng trưởng xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước từ 3 -7%. Trong đó, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Mỹ đã có chuyển biến tích cực sau thời gian dài giảm sâu.

Bà Trần Như Trang, đại diện Chương trình SIPPO tại Việt Nam phân tích, các thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã cho thấy tín hiệu hồi phục khi người tiêu dùng bắt đầu quay lại cửa hàng mua sắm sau thời gian dài thắt chặt chi tiêu.

Trong đó, đáng chú ý là nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu tích cực khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng lên. Người dân Mỹ bắt đầu gia tăng hoạt động mua nhà mới cũng như cải tạo nhà sẽ kéo theo nhu cầu mua sắm nội, ngoại thất.

Bên cạnh đó, còn có những thị trường mới rất tiềm năng cho ngành gỗ Việt Nam như Trung Đông, Ấn Độ, Australia, Canada, Asean. Trong đó, Trung Đông đang là khu vực có tốc độ tăng trưởng rất nhanh cùng sự đa dạng về văn hóa; người dân ở đây sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm chất lượng tốt. Canada cũng là thị trường có mức độ chi tiêu cho đồ gỗ nội và ngoại thất khá cao khi người dân rục rịch quay lại với các hoạt động xây dựng và sửa chữa nhà cửa.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang rất cao, nhập khẩu đồ nội thất tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi gần như các quốc gia này không sản xuất đồ nội thất. Ngược lại Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất thế giới nhưng chỉ mới xếp thứ 15 trong danh sách các nhà cung ứng nội thất cho khu vực này.

Ngoài Trung Đông, các thị trường khác như Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng có sức mua tương đối tốt và còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC, nhận định: Thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ và nội thất chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. So với dự báo tăng trưởng GDP trung bình toàn cầu ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới đang là 4,5%.

Ngành chế biến gỗ Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng trong nhiều năm ở mức trên 15%/năm, và đang nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới đã chứng tỏ ngành có nội lực vững chắc.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng thì Công ty D’Furni vẫn đang hoạt động kín công suất và vừa xây dựng thêm nhà máy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc điều hành Công ty D’Furni chia sẻ: D’Furni hiện đang kinh doanh trong một phân khúc khác biệt so với các doanh nghiệp khác trong ngành gỗ, nội thất Việt Nam, đó là cung ứng cho các dự án.

Theo đó, D’Furni chỉ cung cấp nội thất theo số lượng chính xác cho từng dự án với thiết kế riêng biệt. Ví dụ như một khách sạn có 800 phòng, một văn phòng làm việc cho 1.000 nhân viên hay một trường học có 5.000 học sinh. Đây là các đơn hàng có số lượng sản phẩm nhỏ nên việc vận hành sản xuất sẽ khá khó và không nhiều nhà máy chọn phân khúc này.

Lý giải về lựa chọn trên, ông Vũ Tiến Thập cho biết, suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, trong khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nhưng các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn vẫn triển khai các dự án, nhờ đó xuất khẩu sản phẩm cho dự án ít bị tác động hơn. 

Có thể kể đến các cơ hội cho nội thất dự án trong thời gian tới như World Cup 2026 sẽ diễn ra tại Bắc Mỹ, các khách sạn, nhà hàng khu vực này sẽ đồng loạt sửa chữa, làm mới lại để đón khách du lịch. Nếu tận dụng tốt, khả năng tham gia cung ứng cho các khách hàng ở đây của doanh nghiệp Việt là rất lớn khi Trung Quốc chỉ mới mở cửa trở lại và đồ gỗ, nội thất Trung Quốc vẫn đang bị Mỹ áp thuế 25%.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Lạm phát, xung đột kinh tế... khiến phần lớn tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều sụt giảm, không riêng gì ngành gỗ. Tuy nhiên, đối diện với thách thức đó, các doanh nghiệp ngành gỗ không hề bị động mà chủ động thích ứng. Một mặt, doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.

Theo ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành, việc chủ động tìm kiếm các thị trường mới chính là chìa khóa giúp công ty giữ được sự ổn định trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Cụ thể, tháng 5/2023 Minh Thành tham dự hội chợ tại Dubai và nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng. Các khách hàng từ khu vực Bắc Á, Trung Á, châu Phi đều tìm đến đây để mua hàng.

“Từ các hội chợ, triển lãm gần đây, nhận thấy khách hàng có nhu cầu lớn về gỗ xây dựng nên chúng tôi đã bắt tay vào tìm hiểu, đầu tư và sản xuất khá ổn định. Thay vì chờ đợi thị trường nội thất Mỹ sôi động trở lại, hiện nay công ty đang tiếp cận các khách hàng xây dựng ở thị trường này để nâng cao doanh số xuất khẩu.”, ông Nguyễn Phương chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục