Doanh nghiệp gỗ tìm đường lấy lại thị trường xuất khẩu
Sau thời gian sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đã từng bước phục hồi với kim ngạch trên 1 tỷ USD/tháng. Nhiều doanh nghiệp gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm cách đưa sản phẩm thâm nhập vào hệ thống phân phối nước ngoài, lấy xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp gỗ về cuối năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tiếp nối tháng 7 đạt trên 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 tiếp tục đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm. Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỷ USD.
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, một số tín hiệu phục hồi cho ngành gỗ được ghi nhận ở thị trường quốc tế. Cụ thể, lạm phát ở Mỹ đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu...
“Giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng từ 5 - 10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm", đại diện HAWA cũng cho biết.
Về phía Chủ tịch Phạm Phú Ngọc Trai, Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu GIBC đánh giá, việc giảm đơn hàng vừa qua của ngành gỗ và nội thất chỉ là tạm thời.
“Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển từ 5-10 năm tới. Nếu so với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn”, Chủ tịch GIBC nhận định.
Là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu gỗ lớn trong ngành, Công ty cổ phần Phú Tài phải chứng kiến kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu mảng gỗ của Việt Nam giảm khi sức mua từ thị trường chính là Mỹ vẫn chưa hồi phục. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Phú Tài đạt 2.898 tỷ đồng, lãi trước thuế 201 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng ghi nhận doanh thu thuần 548,7 tỷ đồng, lỗ sau thuế 38,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra do tác động tiêu cực từ thị trường nội thất và bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.
Đứng trước những khó khăn và thách thức này, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới khi các doanh nghiệp trong nước đang mở rộng biên độ kinh doanh sang thị trường quốc tế.
Tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Lê Hải Liễu cho hay, hiện nay khách hàng truyền thông của doanh nghiệp là Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng hóa đi châu Âu, châu Mỹ gần như không mang thương hiệu của mình, chủ yếu là gia công sản phẩm.
"Muốn bán sản phẩm mang thương hiệu của mình nên chăng quay về với thị trường gần gũi như Lào, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ và những nước lân cận. Một khách hàng ở Malaysia đã chấp nhận bán hàng dưới thương hiệu của Gỗ Đức Thành. Sản phẩm của Gỗ Đức Thành khi xuất khẩu sang các nước này sẽ trở thành hàng cao cấp. Đức Thành sẽ chuyển mình theo định hướng đó trong năm 2023", đại diện Gỗ Đức Thành chia sẻ.
Sau khi mua lại nhà máy của Đức Tâm có diện tích 12.000 m2 trong năm 2022, Gỗ Đức Thành đặt ra chiến lược phát triển mặt hàng nội thất cho thị trường nội địa và xuất khẩu bên cạnh các sản phẩm chủ lực như gia dụng, nhà bếp, đồ chơi. Theo kế hoạch, nhà máy mới này dự kiến có doanh thu khoảng 100 tỷ đồng, chiếm từ 15-20% doanh thu công ty năm 2023.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đang mở rộng sang các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác như Ấn Độ, Trung Đông, bên cạnh các thị trường truyền thống.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh. Tháng 8/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt hơn 13,8 triệu USD, tăng 334,5% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 64,9 triệu USD, tăng 265,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia có thể mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp gỗ trong nước. Đơn cử Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mang lại cơ hội “kép” cho ngành gỗ Việt Nam với cả lợi thế thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng như gia tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những nguồn cung gỗ trong khối với thuế quan ưu đãi.
Đáng chú ý, thời điểm cuối năm hiện nay, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ toàn cầu thường có xu hướng tăng, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu thay thế nội thất gia tăng để đáp ứng mùa lễ hội. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ đón nhận đơn hàng trong những tháng tới.
Cùng với đó, việc tỷ giá VND/USD tăng gần đây được giới phân tích kỳ vọng là sự hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (dưới 3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam”, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT nhận định.
Trên thị trường niêm yết, chốt phiên 2/10, cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành giá 4.580 đồng/cổ phiếu; GDT của Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành giá 27.900 đồng/cổ phiếu; PTB của Công ty cổ phần Phú Tài có giá là 58.500 đồng/cổ phiếu.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 3,4 – 3,5% hoàn toàn khả thi
13:08' - 29/09/2023
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 3,4 – 3,5% hoàn toàn khả thi, quan trọng nhất là tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu 54 tỷ USD.
-
DN cần biết
Công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam
10:14' - 18/09/2023
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.