Doanh nghiệp hàng không “cất cánh”

08:47' - 03/04/2022
BNEWS Theo kịch bản khả thi nhất của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cho năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đạt 42 - 43 triệu lượt khách, tương đương hơn một nửa thời điểm trước dịch năm 2019.

Sau một thời gian dài "đóng băng", cánh cửa hàng không đang rộng mở đối với các doanh nghiệp khi dịch bệnh dần được kiểm soát với chiến lược tiêm chủng vaccine, cũng như việc chuyển đổi "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" thay vì "Zero COVID" ở giai đoạn trước.

 

Một trong những cú hích về chính sách đối với ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng chính là việc Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2; đồng thời, mở cửa hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường bộ, đường biển đến đường không từ ngày 15/3.

Trong khi các chuyến bay quốc tế vốn chiếm tỷ trọng lớn về tải cung ứng khai thác và doanh thu trong tổng mạng bay, các chính sách mở cửa du lịch trên tinh thần hướng đến sự bình đẳng đang tạo điều kiện tốt nhất để thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam, từ đó tháo gỡ nút thắt cho ngành hàng không trong thời điểm dịch bệnh.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ cuối tháng 3/2020 đến cuối tháng 12/2021, hoạt động chở khách thường lệ hoàn toàn bị ngưng trệ, các đường bay quốc tế gần như bị tê liệt, ngoại trừ số lượng ít các chuyến bay chở hàng hóa, đưa đồng bào hồi hương và chở khách chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam.

Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề cho biết, từ khi bùng phát dịch COVID -19 lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm từ 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt.

Theo báo cáo tài chính của các công ty hàng không mới nhất, lũy kế cả năm 2021 Vietnam Airlines lỗ 13.337 tỷ đồng. Tuy nhiên số lỗ này đã giảm 2.200 tỷ đồng so với năm 2020.

Về phía Vietjet Air, với những nỗ lực vượt qua các khó khăn, hãng đạt doanh thu hợp nhất cả năm 2021 là 12.998 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020.

Tuy nhiên, khi Việt Nam thay đổi chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", ngành hàng không bắt đầu có những tín hiệu khả quan.

Dữ liệu phân tích từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm khách quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1/2022 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2/2022 (ngày cập nhật số liệu mới nhất) tăng 374% so cùng kỳ năm 2021.

Trong số đó, các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Anh, Canada… có lượng tìm kiếm thông tin du lịch về Việt Nam nhiều nhất.

Theo kịch bản khả thi nhất của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cho năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đạt 42 - 43 triệu lượt khách, tương đương hơn một nửa thời điểm trước dịch năm 2019.

Về phía các hãng hàng không cũng đã chủ động xây dựng các phương án kịch bản điều hành căn cứ vào dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam -  CTCP (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà dự báo, năm 2022, vận tải bay nội địa quay về ngưỡng phục hồi 70 - 75% so với giai đoạn 2019 trước COVID-19, bay quốc tế sẽ đạt 20 - 25% và quay trở lại tăng dần vào quý IV/2022.

Dự báo này trên cơ sở nhận định của IATA cuối năm 2023 thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi và năm 2024 thị trường bay quốc tế quay trở về như thời điểm 2019.

Để chuẩn bị cho việc thị trường sớm nhộn nhịp trở lại, thời gian này, các hãng hàng không đồng loạt động thái tuyển dụng nhiều vị trí như phi công, tiếp viên, đại diện hãng, kỹ thuật…

"Khi các đường bay quốc tế được khôi phục, Vietravel Airlines đã chủ động bổ sung nguồn lực bằng việc tuyển dụng và đào tạo một loạt vị trí. Động thái này để phục vụ cho kế hoạch mở rộng đội bay lên 6 chiếc và khai thác thêm nhiều đường bay quốc tế mới đến Đông Bắc Á, Đông Nam Á từ quý II", đại diện Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết.

Song song với chuẩn bị nguồn nhân lực, các hãng đã sẵn sàng về cải tiến đội tàu bay cũng như các phương án mở rộng đường bay trong thời gian tới ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam thông báo về việc dỡ bỏ mọi hạn chế, khôi phục mạng bay như trước dịch.

Mới đây, Hãng hàng không Vietjet Air đã đón tàu bay thân rộng A330 đầu tiên gia nhập đội tàu bay nhằm hiện thực hoá kế hoạch triển khai đội máy bay thân rộng theo mô hình hàng không chi phí thấp của hãng.

Cùng với đó, để chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng mạng bay khắp toàn cầu cũng như tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ cho hành khách, Vietjet Air và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus cũng đã đạt được Thoả thuận đối tác chiến lược về thực hiện hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng, hợp tác phát triển đội tàu bay thân rộng cùng nhiều hỗ trợ khác sau đại dịch về bảo trì và huấn luyện, đào tạo, nâng cao tay nghề phi công .

Về phía Hãng hàng không Bamboo Airways, Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng đánh giá thị trường hàng không đang chuẩn bị khôi phục mạnh mẽ. "Trước bối cảnh lạc quan đó, Bamboo Airways dự kiến mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường trong năm 2022, đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của khách hàng trong và ngoài nước", ông Đặng Tất Thắng nói.

Bên cạnh các chính sách mở cửa, thị trường hàng không được đánh giá sẽ trở nên sôi động hơn khi Tập đoàn Sun Group công bố chính thức ra mắt hãng hàng không Sun Air và hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo được Cục Hàng không duyệt hồ sơ.

Nếu như Sun Air hướng tới nhóm khách hàng thượng lưu có khả năng chi trả cao, với hai loại hình: dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ. IPP Air Cargo lại nhắm đến mảng kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hóa.

Đây đều là những phân khúc mới, cung cấp các dịch vụ bay được cá nhân và chuyên biệt hóa, phù hợp với thị trường hàng không Việt Nam đang từng bước phục hồi, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hàng không.

Đại diện Vietnam Airlines đánh giá, vận tải hàng hóa đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, một phần nhờ sự phát triển của thương mại điện tử. Hãng đang xây dựng và hoàn thiện đề án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa ngay sau dịch bệnh.

Trước đó, thời điểm dịch bệnh, vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không đóng vai trò chủ lực, thậm chí đối với những hãng hàng không chở khách.

Đơn cử, Vietnam Airlines đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.

Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng, so với 9% ở giai đoạn trước dịch COVID.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho hay, hãng đang xây dựng và hoàn thiện đề án hãng hàng không vận tải hàng hóa ngay sau dịch bệnh.

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực từ thị trường, doanh nghiệp hàng không trong nước còn đang đối mặt với những khó khăn, tồn tại từ thời điểm dịch bệnh bùng phát; trong đó, có vấn đề tài chính. Chi phí xăng dầu tăng theo giá thị trường thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu.

Từ đầu năm đến nay cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam -  CTCP (Vietnam Airlines) diễn biến dao động từ  23.300 đồng/cổ phiếu ngày 4/1/2022 đến 24.900 đồng/cổ phiếu ngày 31/3/2022. Cổ phiếu VJC của Hãng hàng không Vietjet Air 126.000 đồng/cổ phiếu ngày 4/1/2022 đến 140.500 đồng/cổ phiếu ngày 31/3/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục