Doanh nghiệp loay hoay câu chuyện tỷ giá

08:30' - 02/11/2023
BNEWS Trong lúc doanh nghiệp nhập khẩu kỳ vọng được hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá khi USD/VND tăng hiện nay thì doanh nghiệp xuất khẩu lại đang phải xoay sở trước áp lực này.

Với nhóm doanh nghiệp có nguồn thu chính từ ngoại tệ như: thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ thì tỷ giá USD/VND tăng là yếu tố thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều này được thể hiện phần nào qua kết quả kinh doanh quý III vừa được các doanh nghiệp công bố, nhất là đối với doanh nghiệp thuỷ sản khi phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.

Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Far Eastern New Apparel Việt Nam - KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và luỹ kế 9 tháng năm 2023. Theo đó, FMC ghi nhận đạt 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần 9 tháng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 89 tỷ đồng, tăng 12%. Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho của công ty tăng gần 34%, chủ yếu là thành phẩm.

Trong khi đó, với đặc thù của ngành xuất khẩu, công ty ký hợp đồng mua bán sản phẩm với đối tác trước đó nhiều tháng, nên việc tăng tỷ giá sẽ càng có lợi cho doanh nghiệp này, đặc biệt vào dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận tác động hai chiều. Bởi, nguyên tắc các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ yếu tố tỷ giá tăng, nhưng cũng phải dùng ngoại tệ để mua nguyên vật liệu đầu vào nên hưởng lợi từ tỷ giá USD/VND không đáng kể.

Các doanh nghiệp dệt may là ví dụ khi thống kê chi phí vải chiếm khoảng 60-70% chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nhưng lợi thế lại không thuộc về các doanh nghiệp vải nội địa do 64% tổng nguồn cung vải cho Việt Nam từ nhập khẩu. Theo đó, có 62% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc, 13% từ Hàn Quốc, 13% từ Đài Loan (Trung Quốc) và 6% từ Nhật Bản.

Như vậy nếu tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may không được hưởng lợi vì nhiều nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao. Chẳng hạn, với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, đa số vải đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và  99% doanh thu của doanh nghiệp là từ gia công nên TNG phải tuân thủ yêu cầu về nhà cung cấp theo chỉ định của khách hàng.

Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc. Ảnh: Huyền Trang TTXVN
Với doanh nghiệp xuất khẩu khi tỷ giá tăng cũng kéo theo chi phí vận tải (logistics), container hàng nhập khẩu bị đội thêm. Cùng với đó, giá nguyên phụ  liệu tăng kéo theo chi phí phục vụ sản xuất tăng dẫn đến lợi nhuận cũng không được như kỳ vọng. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE (DNSE), tỷ giá tác động tới xuất khẩu ngược lại so với nhập khẩu. Nếu đồng nội tệ tăng giá sẽ khiến lượng doanh thu có được từ hoạt động xuất khẩu giảm xuống và doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm sản lượng xuất khẩu. Ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá thì các hoạt động xuất khẩu sẽ được khuyến khích và lúc này, doanh thu có được từ xuất khẩu sẽ lớn hơn.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam Vũ Duy Hải cho hay, đối với doanh nghiệp nhập khẩu, khi tỷ giá tăng, giá vốn sẽ bị đẩy cao, kéo theo giá bán hàng hóa trong nước tăng lên. Hiện mỗi tháng Vinacam nhập khẩu bình quân từ 15-18 triệu USD hàng hóa và nếu tỷ giá tăng thêm 1,6%, doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 240.000 USD, tương đương hơn 5,7 tỷ đồng cho hàng hóa đầu vào.

Trong khi đó, hiện giá dầu tăng liên tục, đồng USD cũng ngày càng mạnh, giới phân tích cho rằng, tỷ giá sẽ gặp áp lực tăng thời gian tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất vào tháng 11 trong lúc Việt Nam duy trì lãi suất thấp.

Từ nay tới cuối năm, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) dự báo, áp lực tỷ giá thường trực ít nhất cho tới tháng 11. Tuy nhiên, VND có thể giữ mức giảm giá hợp lý khoảng 3% so với đồng USD nhờ một số yếu tố thuận lợi như duy trì thanh khoản hệ thống ngân hàng, giải ngân dòng vốn FDI cũng như cán cân thương mại duy trì thặng dư.

Trước đó, chỉ tính riêng tháng 9, khi đồng USD ghi nhận tăng 3,2%, tỷ giá VND/USD cũng tăng tới 3,1%./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục