Bên lề Quốc hội: Tăng tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

17:58' - 31/10/2023
BNEWS Bnews. Trước tác động của tình hình thế giới, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong nước đang chậm lại và đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên lề Kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.

 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn): Đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy.

Theo đó, nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao. Tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.

Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tôi đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao, độ mở bao nhiêu là phù hợp, nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế như thế nào? Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn.

Về đầu tư công, dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay cao hơn năm ngoái, nhưng để đạt được như mục tiêu đề ra còn rất nhiều thách thức cần vượt qua. Nếu vốn đầu tư công không được giải ngân như theo đúng lộ trình, các hoạt động kinh tế sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra.

Theo tôi, giải pháp đầu tiên cần cải cách là thể chế. Như 3 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã trình Quốc hội các chính sách, cơ chế đặc thù để đẩy nhanh giải ngân các chương trình này.

Cùng với đó, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần đẩy mạnh tăng cường tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu, địa phương và đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Kích thích tổng cầu thông qua cầu trong nước

Quy mô đầu tư công năm nay tăng khoảng 38% so với năm trước, tỷ lệ giải ngân đến nay cũng cao hơn, tuy nhiên chưa được như mong đợi. Theo đó, có nhiều vướng mắc mà điển hình nhất liên quan đến thủ tục phê duyệt dự án để phân bổ đầu tư, giải phóng mặt bằng hay khi dự án được triển khai, nguồn vật liệu cho công trình cũng khó khăn…

Đối với vấn đề này, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp tích cực như lập tổ công tác chuyên biệt để thúc đẩy giải quyết vướng mắc, điều chỉnh vốn từ những dự án khó khăn sang dự án giải ngân nhanh. Về phía Quốc hội cũng ban hành những nghị quyết đặc thù để giải quyết vấn đề này, rút ngắn thời gian thực hiện dự án như thời gian qua.

Đơn cử, đối với vấn đề nóng như giải phóng mặt bằng, Quốc hội, Chính phủ giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, thậm chí với dự án lớn đã tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Đây là các giải pháp tích cực và tương đối phù hợp, tuy nhiên về tổng thể vẫn vướng về cơ chế, chính sách chung, nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.

Ngoài yếu tố tổng cầu thông qua đầu tư công, cầu trong nước cũng cần được khơi thông thông qua nhiều nguồn lực. Như thị trường bất động sản đang bế tắc, nếu thúc đẩy được nguồn lực này sẽ tạo ra nguồn lực mới cho toàn xã hội. Hoặc liên quan đến cầu tiêu dùng cuối năm cũng cần được thúc đẩy, khi dư địa đối với thị trường trăm triệu dân là rất lớn. Hơn nữa, cần hướng tới xuất khẩu dịch vụ thông qua mở rộng du lịch, thu hút khách du lịch đến, đây cũng là hướng để tăng tổng cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục