Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng vào nỗ lực hòa giải của các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung​

18:28' - 16/05/2018
BNEWS Các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách tránh khỏi những tác động bởi biểu thuế mới mà Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách tránh khỏi những tác động bởi biểu thuế mới mà Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá ít nhất 50 tỷ USD, giữa bối cảnh các nhà đàm phán hai bên đang nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà bán lẻ hàng tiêu dùng điện tử Best Buy mong muốn các sản phẩm TV không bị ảnh hưởng bởi lệnh áp thuế quan mới. Trong khi đó, công ty Sanden International có trụ sở tại Wylie, Texas, cảnh báo sẽ phải sa thải 39 trong tổng số 431 nhân viên của công ty nếu lệnh áp thuế 25% đối với các phụ tùng Trung Quốc mà công ty này sử dụng để chế tạo máy nén khí của điều hòa được Chính phủ Mỹ thực thi. SABIC- nhà sản xuất các sản phẩm hóa dầu của Mỹ- cũng trông đợi một số loại vật liệu xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc được loại khỏi danh sách áp thuế của Mỹ.

Giữa lúc Chính phủ Mỹ bắt đầu cuộc điều trần kéo dài ba ngày về chính sách thuế quan, Phó Thủ tướng Trung Quốc kiêm Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc, cũng tiến hành chuyến công du sang Mỹ từ ngày 15-19/5 để thực hiện các cuộc tham vấn kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Các chuyên gia ngoại thương Bắc Kinh cho rằng, sau cuộc điện đàm vừa qua giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, việc ông Lưu Hạc thăm Mỹ với danh nghĩa "Đặc phái viên của Chủ tịch nước", cho thấy tầm quan trọng của cuộc đàm phán lần này cũng như thái độ tích cực của Bắc Kinh. Dư luận chung nhận định bầu không khí đàm phán lần này sẽ thuận lợi hơn so với lần trước và dự kiến hai bên có thể đạt được nhiều đồng thuận hơn nữa.

 Khách tham quan gian hàng của ZTE tại Hội nghị Di động Thế giới 2017 tại San Francisco, Mỹ ngày 12/9/2017. AFP/TTXVN

Đáng chú ý, động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump liên quan tới tập đoàn viễn thông ZTE đã mở ra hy vọng cho các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa hai bên. Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng Tư vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng bảy năm do vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Tuy nhiên, ông Donald Trump có thông báo bất ngờ ngày 13/5, đề cập đến việc Mỹ sẽ có hành động can thiệp để ngăn chặn ZTE phá sản. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thông báo ông đang cân nhắc "các giải pháp thay thế" cho những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với ZTE, khiến hãng đang phải ngừng hoạt động.

ZTE phụ thuộc khá nhiều vào các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel và Google. Một quản lý cấp cao của ZTE cho biết riêng trong năm 2017 họ đã chi trả 2,3 tỷ USD cho 211 công ty xuất khẩu của Mỹ.

>>> Tình trạng mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung Quốc không thể duy trì trong dài hạn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục