Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thực hiện "3 tại chỗ" đảm bảo nguồn cung hàng hóa

13:35' - 20/07/2021
BNEWS Để đảm bảo cho đơn hàng xuất khẩu và sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang chủ động ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong những ngày qua, để đảm bảo cho đơn hàng xuất khẩu và sản phẩm phục vụ thị trường nội địa trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang chủ động ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không ngừng nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là duy trì sản xuất và bảo đảm đời sống công nhân, người lao động.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) cho hay, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, công ty đã sớm thực hiện phương án "3 tại chỗ" gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ, từ 0 giờ ngày 13/7 đến nay.

Nhờ đó, doanh nghiệp bảo vệ an toàn cho công nhân, không để dịch lây lan vào công ty cũng như góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Cofidec đã trưng dụng các nhà nghỉ, hội trường, phòng họp… tại 2 nhà máy trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh với tổng diện tích khoảng 3.500m2 làm nơi ở cho công nhân ở lại làm việc.

Phòng lưu trú cho công nhân làm việc “3 tại chỗ” có tường xây chắc chắn, sàn lát gạch, có cửa đi và cửa sổ... đạt yêu cầu thông gió, chiếu sáng tự nhiên, bố trí đầy đủ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cũng như trang bị bình xịt cồn, nước rửa tay sát khuẩn, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế...

Nơi ở cho công nhân nam và nữ tách biệt nhau, với diện tích 5m2/người, đều được cấp chiếu, mền, gối, mùng cá nhân và quạt máy... và hạn chế tối đa công nhân tiếp xúc gần với nhau.

Bên cạnh đó, mỗi công nhân viên làm việc theo phương án “3 tại chỗ” ngoài lương còn được trợ cấp thêm 500.000 đồng tiền sinh hoạt phí, miễn phí tiền ăn sáng và ăn chiều…

Hiện Cofidec đảm bảo đơn hàng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... như rau củ, tôm, tôm tẩm bột, cà tím chiên, đậu bắp hấp và những sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa.

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm chế biển sẵn tốt, an toàn, tiện lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, Cofidec đã đầu tư xây dựng nhà máy mới với tổng số tiền đầu tư hơn 400 tỷ đồng, trên tổng diện tích 25.000m2. 

Nhà máy có các dây chuyền chế biến thực phẩm hiện đại nhất hiện nay như 5 dây chuyền nông sản gồm trái cây, nướng, hấp rau củ, chiên máy và chiên tempura; 3 dây chuyền thủy sản là tẩm bột, sushi, luộc và hàng phối trộn. Công suất thiết kế của các dây chuyền đạt từ 8.000 tấn đến 10.000 tấn/năm.

Đặc biệt, nhà máy được đầu đồng bộ, khép kín toàn bộ dây chuyền sản xuất (từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, chế biến, bảo quản) và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điển hình, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường truyền thống (Nhật Bản, Trung Quốc, các nước châu Á) và các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cao (Mỹ, EU…).

Tương tự, là một trong những doanh nghiệp chủ lực của Chương trình bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”, với ưu tiên hàng đầu là tập trung phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Theo phương án “3 tại chỗ”, tổng số lượng người lao động tham gia cắm trại tập trung làm việc tại công ty là hơn 1.300 người, bắt đầu từ cuối tháng 6/2021 đến nay.

Vissan triển khai nơi ăn nghỉ cho người lao động với diện tích tối thiểu 3-4m2/người, có khu riêng cho nam và nữ, khu thay đồ cho nữ...

Đồng thời, có hành lang, lối đi chung đảm bảo thoát hiểm và thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt tại công ty.

Để người lao động an tâm làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, Vissan cũng bố trí thêm khu vực nhận hàng tiếp tế của gia đình hoặc hàng mua ngoài tại cổng bảo vệ công ty và giãn cách 2m, khử khuẩn hàng đưa vào bằng bình xịt cồn trước khi người lao động được nhận hàng.

Ngoài ra, Vissan hỗ trợ người lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, gồm: 100.000 đồng/người chi phí mua vật dụng cá nhân, 10.000 đồng/người chi phí giặt đồ và từ 35.000 đồng/người đến 50.000 đồng/người (tùy đối tượng) cho chi phí sinh hoạt...

Đại diện Vissan chia sẻ, khi tổ chức "cắm trại tập trung", công ty cùng một lúc sẽ thực hiện được những mục tiêu như đảm bảo cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố, giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm đối với người lao động, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động...

Hơn thế nữa, Vissan thể hiện được tính nhân văn và văn hóa truyền thống của doanh nghiệp đối với người lao động trong mùa dịch COVID-19 kéo dài như hiện nay.

Hiện nay Vissan đã tăng cường lực lượng, đẩy mạnh sản xuất, trước đây cung ứng cho thị trường mỗi ngày từ 45 tấn thực phẩm tươi sống, 80 tấn thực phẩm chế biến, thì hiện nay có ngày cung ứng đến gần 120 tấn thực phẩm tươi sống và trên 120 tấn thực phẩm chế biến…

Những con số này, cho thấy áp lực sản xuất tại Vissan rất cao nhưng đồng thời phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động và khách hàng.

Đồng hành với chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với ngành công thương, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thực phẩm kết nối với nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh trong khâu theo dõi thị trường, bám sát nhu cầu người tiêu dùng và đưa ra những phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến mới của dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, ngay sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg được thực hiện tại khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ, ngành công thương đã có một số phương án chuẩn bị nguồn hàng trong điều kiện tất cả địa phương siết chặt phòng chống dịch COVID-19.

Qua theo dõi diễn biến thị trường cho thấy, áp lực phân phối đã tạm ổn, lượng hàng doanh nghiệp sản xuất tăng mỗi ngày...

Đồng thời, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều phương án phụ trợ để tăng nguồn cung ứng hàng hóa với hàng trăm điểm bán hàng lưu động, bán thực phẩm giá bình ổn đã cung cấp thêm nhiều địa chỉ mua sắm thực phẩm cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục